(HNMO) - Áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão có tên quốc tế là Sinlaku và trở thành cơn bão số 2 của Việt Nam trong năm 2020. Chiều 1-8, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện chỉ đạo các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai các phương án ứng phó với bão số 2.
Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố vùng ảnh hưởng của bão số 2 khẩn trương rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn; sẵn sàng sơ tán, di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi tránh, trú an toàn.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hồ, đập, nhất là các hồ chứa nhỏ, xung yếu, đang trong quá trình thi công.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực có nguy cơ cao bị chia cắt do mưa lũ; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông, liên lạc thông suốt...
Đối với các tỉnh ven biển, các địa phương khẩn trương kêu gọi, thông báo cho thuyền trưởng các tàu thuyền còn hoạt động trên biển biết hướng di chuyển của bão để phòng tránh, thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm của bão số 2; đồng thời, hướng dẫn người dân neo đậu tàu thuyền và gia cố lồng bè, hạn chế thiệt hại cho nuôi trồng thủy, hải sản…
Thủ tướng Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành và lưu ý các đơn vị chủ động phối hợp với các địa phương triển khai phương án ứng phó với bão số 2 theo phương châm “4 tại chỗ”; sẵn sàng hỗ trợ địa phương khi có yêu cầu nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra...
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của bão nên chiều tối và đêm nay (1-8), thành phố Hà Nội xảy ra mưa vừa, mưa to đến rất to. Đợt mưa này sẽ kéo dài đến ngày 3-8 với tổng lượng mưa phổ biến cả đợt khoảng 100-200mm, có nơi cao hơn.
Cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo, đợt mưa này có cường độ lớn và có thể gây ngập úng tại một số tuyến phố nội thành Hà Nội với độ sâu 0,2m-0,4m.
Cụ thể, tại quận Đống Đa, các tuyến có thể bị úng ngập: Trường Chinh, Tôn Thất Tùng, Thái Hà, Láng. Tại quận Thanh Xuân, gồm các tuyến phố: Lê Văn Lương, Tố Hữu. Tại quận Cầu Giấy, gồm các tuyến phố: Hoa Bằng, Nguyễn Khang, Tô Hiệu. Tại quận Bắc Từ Liêm, gồm các tuyến phố: Tân Xuân, Xuân Đỉnh, Phạm Văn Đồng. Tại quận Ba Đình, gồm các tuyến phố: Cao Bá Quát, Đội Cấn. Tại quận Tây Hồ, gồm các tuyến phố: Chu Văn An, Thụy Khuê… Tại quận Hoàn Kiếm, gồm các tuyến phố: Bát Đàn, Phan Bội Châu, Lý Thường Kiệt, Lê Duẩn. Tại quận Long Biên, gồm tuyến phố Ngọc Lâm. Tại quận Hai Bà Trưng, gồm khu vực chân cầu Vĩnh Tuy, các phố Minh Khai và Mạc Thị Bưởi…