(HNNN) - Đốt rơm rạ là một hình thức xử lý tàn dư thực vật đơn giản, tuy đáp ứng một số yêu cầu trước mắt của người sản xuất nhưng lại gây lãng phí nguyên liệu sản xuất và gây ô nhiễm môi trường, cần sớm chấm dứt. Tuy nhiên, để tạo ra một cuộc “cách mạng”, trước hết cần có sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy, nhận thức của cả cơ quan quản lý, các cơ sở sản xuất và mỗi người dân. Hà Nội Ngày nay xin giới thiệu một số ý kiến xung quanh nội dung này.
Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Xuân Cự (khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội):
Cần các giải pháp cụ thể, thiết thực
Đốt rơm rạ trực tiếp trên ruộng có thể là đốt rải rác hoặc thu gom thành từng đống rồi mới đốt, tùy theo điều kiện cụ thể của người sản xuất. Cách làm này tuy đáp ứng một số yêu cầu trước mắt của người sản xuất nhưng lại gây lãng phí tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường. Ở Hà Nội, khoảng 30% rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp được đốt trực tiếp ngay tại ruộng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đốt rơm rạ trực tiếp trên đồng ruộng trong những năm qua ở vùng Đồng bằng sông Hồng nói chung, ở vùng nông thôn Hà Nội nói riêng. Một số nguyên nhân chủ yếu là: Nhu cầu sử dụng rơm rạ cho các mục đích dân sinh truyền thống (lợp nhà, làm chất đốt, làm thức ăn cho gia súc...) gần như không còn. Nhu cầu sử dụng rơm rạ cho một số mục đích khác (độn chuồng chăn nuôi, làm phân bón hữu cơ...) cũng gần như không còn được duy trì vì phân bón hóa học đã rất phổ biến và chiếm ưu thế nhờ có tác dụng nhanh, dễ sử dụng, không gây mất vệ sinh, ít tốn công sức...
Trong khi đó, mỗi năm, người dân thường trồng nhiều vụ trên cùng một diện tích đất nên thời gian giữa 2 vụ gieo trồng là rất ngắn. Do vậy, mục đích của việc đốt rơm rạ chủ yếu xuất phát từ nhu cầu giải phóng đồng ruộng để làm vụ tiếp theo, nhất là trồng các cây rau màu vụ đông. Nông dân coi việc đốt rơm rạ là hình thức đơn giản, thuận tiện và dễ áp dụng.
Tuy nhiên, việc đốt rơm rạ gây ra 3 vấn đề về môi trường, cần được ý thức đầy đủ. Một là, gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường không khí do khói bụi, các chất khí độc hại có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Hai là, việc đốt rơm rạ có thể gây tác động mạnh đến độ phì nhiêu của đất. Khi đốt rơm rạ, các tàn dư thực vật (chất hữu cơ) không được hoàn trả cho đất, dẫn đến làm giảm hàm lượng chất mùn trong đất, lâu dài sẽ làm chai cứng đất và ảnh hưởng đến hoạt động của hệ vi sinh vật đất. Nhiệt độ đất ở những nơi đốt rơm rạ có thể tăng đột ngột, gây ô nhiễm nhiệt và làm suy giảm nhanh số lượng các sinh vật trong đất, ảnh hưởng đến hệ sinh thái đất.
Đốt rơm rạ tuy có tác dụng tiêu diệt một số mầm bệnh và cung cấp trực tiếp một số chất khoáng cho cây trồng vụ tiếp theo, nhưng giải pháp này không bền vững vì các chất khoáng được giải phóng từ rơm rạ có thể nhanh chóng bị rửa trôi khi gặp mưa to hoặc khi tưới nước. Ba là, việc đốt rơm rạ gây lãng phí nguyên liệu đầu vào của nhiều quá trình sản xuất khác như: Trồng nấm, sản xuất phân bón hữu cơ, làm thức ăn gia súc... Ở nước ta, hằng năm có khoảng 70 - 80 triệu tấn rơm rạ; riêng vùng Đồng bằng sông Hồng có khoảng 15 triệu tấn, trong đó, Hà Nội có khoảng 1 triệu tấn, nếu tận dụng được thì đây sẽ là nguồn tài nguyên rất có giá trị.
Để chấm dứt việc đốt rơm rạ, theo tôi, trước tiên cần có sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy quản lý. Các nhà quản lý cần coi đây là nhiệm vụ mà mình cần giải quyết, từ đó huy động và tạo điều kiện để các nhà khoa học tham gia nghiên cứu, tìm các giải pháp và mô hình quản lý hiệu quả; sau đó là tổ chức, động viên người dân thực hiện tốt. Các giải pháp cần thiết thực, đáp ứng yêu cầu bức thiết của cuộc sống. Việc UBND thành phố Hà Nội ra Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc “Tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường Thành phố” đã đáp ứng yêu cầu giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, cần có các giải pháp cụ thể để việc thực hiện Chỉ thị thu được kết quả lớn hơn.
Ở góc độ nghiên cứu khoa học, chúng tôi đề xuất 5 giải pháp chính sau:
Thứ nhất, có chính sách cụ thể, có quy định hướng dẫn, hỗ trợ nông dân và các tổ chức, cá nhân tham gia thu gom, xử lý rơm rạ một cách hợp lý, thân thiện với môi trường và bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Cần tiếp tục khuyến khích việc thu gom rơm rạ để trồng nấm và sản xuất phân bón hữu cơ, bao gồm cả hình thức ủ rơm rạ bằng các chế phẩm sinh học và sản xuất phân bón hữu cơ theo phương pháp truyền thống; sử dụng rơm rạ để che ủ đất trồng khoai tây, hành tỏi, rau màu...
Thứ hai, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học và áp dụng công nghệ mới trong xử lý, tận dụng chất thải rắn nông nghiệp như một nguồn tài nguyên cho quá trình sản xuất khác. Đẩy mạnh nghiên cứu hình thức sử dụng rơm rạ làm nguyên liệu sản xuất và dự trữ làm thức ăn gia súc bằng các kỹ thuật thích hợp. Nghiên cứu các giải pháp xử lý rơm rạ trên đồng ruộng kết hợp với công cụ làm đất (ví dụ: Chế tạo máy làm đất kết hợp băm nhỏ rơm rạ và trộn lẫn vào đất để đáp ứng nhu cầu sản xuất).
Thứ ba, hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo nguyên tắc của nền kinh tế tuần hoàn, quay vòng vật chất và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong hệ thống sản xuất nông nghiệp.
Thứ tư, khuyến khích dịch vụ thu gom và xử lý rơm rạ; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đầu tư vào các ngành sản xuất sử dụng rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp khác; hình thành thị trường mua bán rơm rạ để khép kín chu trình sản xuất và và tiêu thụ theo phương châm tất cả đều trở thành hàng hóa.
Thứ năm, tăng cường công tác quản lý, giám sát của địa phương đối với các cam kết bảo vệ môi trường. Tăng cường chế tài xử lý vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong quản lý chất thải rắn nông nghiệp để chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ và phụ phẩm cây trồng theo lộ trình đã đề ra.
Ông Bùi Thế Dũng, Bí thư Chi bộ thôn Hưng Giáo (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai):
Ðề cao việc thực hiện các tiêu chí văn hóa
Trong các giải pháp đã và đang thực hiện, giải pháp về tuyên truyền, vận động vẫn là cơ bản, vì khi và chỉ khi mọi người tự giác thì các kết quả đã đạt được mới thực sự bền vững. Đối với cơ sở, thiết thực nhất là tiếp tục đề cao việc thực hiện các tiêu chí văn hóa, nhất là gắn với việc xây dựng gia đình văn hóa nhằm tạo bước chuyển căn bản. Việc tuyên truyền, vận động cũng cần có sự đổi mới về hình thức, nội dung, hướng vào mục tiêu bảo vệ môi trường của làng văn hóa ở nông thôn mới.
Ông Trần Quang Phằng, Trưởng thôn Đình (xã An Phú, huyện Mỹ Đức):
Hỗ trợ nông dân tận dụng rơm rạ và phụ phẩm
Thực tế ở nhiều nơi, sau thu hoạch thì rơm rạ và nhiều phụ phẩm không được tận dụng, cũng không được xử lý tốt, ảnh hưởng đến mùa vụ sau và gây ô nhiễm môi trường. Thời gian qua, các cấp chính quyền và cơ quan liên quan đã có nhiều chính sách tuyên truyền, động viên có hiệu quả, nhưng nội dung hỗ trợ nông dân cần cụ thể, thiết thực hơn. Theo tôi, bên cạnh việc tập huấn, cần hỗ trợ đầu tư, tiếp cận nguồn vốn, mặt bằng thực hiện... để nông dân có thể biến rơm rạ và các phụ phẩm thành nguồn nguyên liệu hữu ích phục vụ sản xuất.