(HNM) - Từ đầu năm đến nay, trên phạm vi cả nước đã xuất hiện nhiều loại hình thời tiết nguy hiểm, bất thường. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới xung quanh vấn đề thời tiết, khí hậu trong thời gian còn lại của năm 2020, Tiến sĩ Võ Văn Hòa, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ nhận định, Việt Nam sẽ phải đối mặt với thiên tai khốc liệt, các cấp chính quyền cũng như người dân cần chủ động ứng phó, giảm thiệt hại.
- Thời gian vừa qua, liên tiếp xảy ra các loại hình thời tiết nguy hiểm: Mưa đá, dông lốc kéo dài tại Hà Giang, Lai Châu, Yên Bái..., rét bất thường trong những ngày cuối tháng 4 ở Hà Nội. Vì sao có hiện tượng này, thưa ông?
- Từ đầu năm 2020 đến nay, các tỉnh, thành phố phía Bắc xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết, khí hậu bất thường như mưa to kèm dông, lốc, mưa đá... Thời điểm xuất hiện những hiện tượng trên cũng rất hiếm, thậm chí chưa từng xảy ra trong lịch sử quan trắc... Nguyên nhân là do tác động của biến đổi khí hậu, tính bất ổn định của các hệ thống hoàn lưu khí quyển diễn ra ở cả quy mô toàn cầu và khu vực. Chính điều này đã khiến thiên tai có diễn biến bất thường, không chỉ xảy ra trong mùa mưa bão mà còn diễn ra quanh năm, cả trong những tháng được xem là hiếm có thiên tai như trước đây.
- Ông nhận định thế nào về tình hình khí tượng, thủy văn, đặc biệt là các loại hình thời tiết nguy hiểm, trong những tháng còn lại của năm 2020?
- Dự báo, từ nay đến cuối năm, trên Biển Đông sẽ xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão, trong đó có 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Cùng với đó, hạn hán, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất… đặc biệt là nguy cơ xuất hiện các đợt mưa, lũ rất lớn có thể xảy ra sau các đợt khô hạn kéo dài tương tự như các năm 2006, 2010 và 2016.
Nhiệt độ trung bình từ tháng 5 đến tháng 10-2020 trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 0,5-1 độ C; riêng tháng 5-2020 tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng cao hơn 1-2 độ C...
Dự báo này cũng phù hợp với nhận định của Tổ chức Khí tượng thế giới và các trung tâm dự báo quốc tế: 2020 là một trong những năm nóng kỷ lục, với nhiệt độ toàn cầu có thể tăng 1,1 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp, kéo dài số năm ấm nhất liên tiếp thêm ít nhất 1 năm nữa. Và Việt Nam sẽ phải đối mặt với thiên tai khốc liệt.
- Đối với khu vực Bắc Bộ và thành phố Hà Nội, thời tiết những tháng tới có gì bất thường không, thưa ông?
- Nằm trong bối cảnh chung của biến đổi khí hậu, khu vực Bắc Bộ và thành phố Hà Nội từ nay đến cuối năm sẽ xuất hiện nhiều đợt nắng nóng, mưa lớn diện rộng kèm theo dông, lốc, mưa đá... Cụ thể, từ nay đến cuối năm, khu vực thành phố Hà Nội có khả năng chịu ảnh hưởng 1-2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới. Thời gian ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới tập trung vào các tháng 7, 8 và 9-2020. Bên cạnh đó, Hà Nội có khả năng xảy ra 8-10 đợt nắng nóng (từ 2 ngày trở lên); trong đó có 1-2 đợt nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt, nhiệt độ cao nhất có thể đạt hơn 41 độ C. Đợt nắng nóng đầu tiên có thể xảy ra vào khoảng giữa tháng 5-2020, các đợt còn lại sẽ tập trung vào cuối tháng 5, tháng 6 và tháng 7-2020...
Mùa mưa năm nay, khu vực Bắc Bộ và thành phố Hà Nội có khả năng xảy ra 5-7 đợt mưa vừa, mưa to diện rộng. Trên các sông, suối của khu vực có khả năng xuất hiện 3-5 đợt lũ; trong đó 1-2 đợt lũ lớn có khả năng xuất hiện trên sông Đáy và các sông Tích, sông Bùi, sông Nhuệ, sông Cà Lồ…
Về thời gian xuất hiện đỉnh lũ, với sông Đà, hạ lưu sông Hồng, sông Đuống dự báo vào tháng 7 hoặc tháng 8-2020; sông Đáy và các sông khác dự báo vào cuối tháng 7, tháng 8 hoặc tháng 9-2020.
- Để giúp các cấp chính quyền và người dân Thủ đô chủ động ứng phó, giảm rủi ro thiên tai, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ đã có kế hoạch thế nào, thưa ông?
- Chúng tôi đã rà soát toàn bộ phương án và quy trình dự báo, ban hành sớm các bản tin nhận định mùa mưa, bão, lũ năm 2020 gửi Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội, đồng thời liên tục theo dõi cập nhật khi có thay đổi... Ngoài việc cung cấp các bản tin theo quy định của Luật Khí tượng thủy văn và Luật Phòng, chống thiên tai, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị làm dự báo tăng tần suất ban hành các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, bản tin chuyên đề... Chúng tôi đang nghiên cứu cải tiến và đổi mới các bản tin theo hướng “dự báo dựa trên tác động, cảnh báo dựa trên rủi ro” để các cơ quan phòng, chống thiên tai và người dân dễ dàng tiếp cận...
- Ông có khuyến cáo gì với các địa phương và người dân về tình hình thời tiết, khí hậu năm nay?
- Do thiên tai có xu hướng gia tăng về tần suất, cường độ, phạm vi ảnh hưởng... nên các cấp chính quyền địa phương cần rà soát, đánh giá và điều chỉnh phương án để chủ động phòng ngừa, kịp thời ứng phó, nhanh chóng khắc phục hậu quả. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về những tác động, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đi cùng các giải pháp phòng, tránh... Theo tôi, các cấp chính quyền cũng như người dân cần thường xuyên cập nhật bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại.
- Trân trọng cảm ơn ông!