(HNMO) - Thực hiện chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng về việc phối hợp thu gom, vận chuyển rác thải tồn đọng và xử lý ô nhiễm môi trường tại các khu vực tập kết rác, lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) cho biết, đơn vị đã chuẩn bị phương tiện, máy móc, sẵn sàng phối hợp với Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển công nghệ cao Minh Quân (Công ty Minh Quân), UBND các quận Tây Hồ, Nam Từ Liêm xử lý rác thải ùn ứ, bảo đảm vệ sinh môi trường. Công tác thanh toán khối lượng rác phát sinh cũng đang được đẩy mạnh...
Trước đó, ngày 19-11-2020, một số cơ quan báo chí phản ánh, người dân phường Yên Phụ (quận Tây Hồ) và phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm) phải sống chung với rác thải vì công nhân vệ sinh môi trường đình công do không được nhà thầu trả lương.
Đây là công nhân thuộc Công ty Minh Quân - đơn vị trúng thầu độc lập gói thầu tập trung cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường (từ tháng 3-2017 đến hết năm 2020) tại quận Nam Từ Liêm và là liên danh nhà thầu trúng gói thầu tại quận Tây Hồ.
Theo ông Hoàng Xuân Sáng, Chủ tịch UBND phường Yên Phụ (quận Tây Hồ), quận Tây Hồ có 8 phường, thì 7 phường còn lại do đơn vị khác thực hiện duy trì vệ sinh môi trường và làm rất tốt. Riêng công tác vệ sinh môi trường tại phường Yên Phụ do Công ty Minh Quân đảm trách. Đơn vị này có năng lực còn hạn chế, trong quá trình thực hiện công việc, rất nhiều lần để tồn đọng rác, không thu gom hết rác trong ngày.
Đỉnh điểm là tối 13-11-2020, công nhân bức xúc, đình công vì bị chậm trả lương, dẫn đến rác thải tồn đọng trên địa bàn, gây ô nhiễm môi trường, trật tự giao thông cũng như ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân khu vực.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, ngoài trúng gói thầu độc lập duy trì vệ sinh môi trường tại quận Nam Từ Liêm, gói thầu liên danh tại quận Tây Hồ, Công ty Minh Quân còn trúng 6 gói thầu khác: 3 gói thầu độc lập tại các huyện Mỹ Đức, Thạch Thất, Mê Linh; 2 gói thầu liên danh tại quận Hà Đông, huyện Thanh Trì và 1 gói thầu duy trì vệ sinh môi trường huyện Ba Vì giai đoạn 2016-2020 (không theo hình thức đấu thầu tập trung).
Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động của Công ty Minh Quân còn nhiều bất cập như: Chậm trả lương, chậm đóng tiền bảo hiểm cho người lao động dẫn đến bãi công, chưa bảo đảm chất lượng vệ sinh môi trường trên các địa bàn.
Theo giải trình của Công ty Minh Quân, xảy ra tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm, chế độ của công nhân tại các gói thầu dịch vụ vệ sinh môi trường giai đoạn 2017-2020 là do công ty chưa được thanh toán kinh phí bổ sung khối lượng các gói thầu, dẫn đến khó khăn tài chính, chưa bố trí kịp thời một phần lương cho các bộ phận: Tổ lái xe, tổ công nhân thu gom.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới sáng 23-11, ông Hoàng Văn, Trưởng phòng Điều hành sản xuất (Công ty URENCO) cho biết, công ty đã chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, máy móc phối hợp với Công ty Minh Quân, UBND các quận Tây Hồ, Nam Từ Liêm để thu dọn, vận chuyển rác thải ùn ứ, xử lý môi trường tại các khu vực tập kết rác; cọ rửa điểm tập kết, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Trước đó (tối 19-11), theo yêu cầu của Sở Xây dựng, Chi nhánh Ba Đình - Công ty URENCO cũng đã điều phương tiện, công nhân hỗ trợ thu gom, vận chuyển rác thải tồn đọng tại phố Yên Phụ, cửa khẩu An Dương với khối lượng vận chuyển khoảng 10 tấn.
Về việc thanh toán khối lượng phát sinh ngoài gói thầu, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tài sản công và Thông tin, tư vấn tài chính (Sở Tài chính Hà Nội) Hoàng Tuân cho biết, trong giai đoạn 2014-2017, Hà Nội giao các quận, huyện, thị xã tự tổ chức đấu thầu, lựa chọn đơn vị duy trì vệ sinh trên địa bàn. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, việc thu gom rác, duy trì vệ sinh tại các quận, huyện, thị xã được thực hiện theo phương thức đấu thầu tập trung, trong quá trình thực hiện gói thầu, có phát sinh khối lượng rác bởi tốc độ đô thị hóa và dân số cơ học tăng.
Trước tình trạng khối lượng rác phát sinh, Sở Tài chính đã báo cáo UBND thành phố phương án thanh toán và đã được thành phố phê duyệt. Đồng thời, theo chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Xây dựng, Sở Tài chính đã phối hợp thành lập tổ công tác kiểm tra nguyên nhân việc chậm thanh toán.
"Sau một số buổi kiểm tra và có văn bản hướng dẫn, các quận, huyện, xã đã bắt đầu thực hiện thanh toán, có nơi đã thanh toán được 28%. Công tác thanh toán đang được đẩy mạnh", ông Hoàng Tuân thông tin.
Theo Sở Tài chính, từ năm 2021, các quận, huyện, thị xã sẽ chủ động lựa chọn nhà thầu duy trì vệ sinh trên địa bàn, bảo đảm công khai, minh bạch. Thực tế trên cũng cho thấy, một trong những giải pháp nhằm tránh xảy ra tình trạng ứ đọng rác thải là các quận, huyện, thị xã cần dự báo chính xác hơn khối lượng rác phát sinh trong thời gian thực hiện gói thầu nhằm bảo đảm gói thầu tính đủ khối lượng.