(HNM) - Mới chỉ lác đác vài trận mưa trái mùa, nhiều con đường ở thành phố Hồ Chí Minh đã ngập nhẹ. Thế nên, ngay từ bây giờ, người dân thành phố đã phập phồng nỗi lo ngập nước khi mùa mưa sắp đến.
Những ngày qua, thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu xuất hiện rải rác một vài cơn mưa đầu mùa, nhưng khiến một số khu vực trên địa bàn như: Quốc lộ 13, Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức)…, xảy ra tình trạng “tụ nước”. Chị Nguyễn Thị Oanh (quận Thủ Đức) cho biết, chỉ một vài trận mưa trái mùa mấy ngày qua đã khiến một đoạn đường dài khoảng 30m trên quốc lộ 13 hướng từ đường Hiệp Bình đến cầu vượt Bình Phước (giáp với tỉnh Bình Dương) hình thành những vũng nước khá lớn. Nếu vào mùa mưa đường sẽ ngập nặng, người dân lại khổ sở lội nước.
Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nhiều khu vực trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh “chớm mưa đã ngập” là do nhiều công trình, dự án liên quan tiêu thoát nước đô thị đang dở dang. Theo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (thuộc Sở Xây dựng thành phố), quy hoạch cần tới 6.000km cống thoát nước, nhưng hiện thành phố mới chỉ đạt khoảng một nửa. Trong khi đó, theo kế hoạch tổ chức thực hiện chương trình “Giảm ngập nước” năm 2019, thành phố triển khai đầu tư xây dựng 218 dự án chống ngập với tổng kinh phí gần 8.000 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, số lượng dự án hoàn thành chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Đáng chú ý, một số dự án trọng điểm được kỳ vọng giúp thành phố sớm thoát ngập lần lượt trễ hẹn. Đơn cử, dự án giải quyết ngập do triều khu vực thành phố có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1 (tổng kinh phí thực hiện 10.000 tỷ đồng) sau nhiều lần trễ hẹn, chủ đầu tư dự kiến hoàn thành cuối năm 2019, đầu năm 2020 đưa vào hoạt động. Thế nhưng, tính đến tháng 2 năm nay, tổng khối lượng thi công dự án mới đạt khoảng 77%.
Theo chương trình chống ngập giai đoạn 2016-2020, thành phố Hồ Chí Minh tập trung giải quyết 40 điểm ngập tại khu vực trung tâm và 179 tuyến hẻm. Ông Đỗ Tấn Long, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (thuộc Sở Xây dựng) cho biết, đến nay thành phố đã giải quyết được 22/40 điểm ngập. Trong giai đoạn 2019-2020, thành phố đặt mục tiêu giải quyết thêm 15 điểm.
Để chống ngập mùa mưa năm nay, theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, thành phố cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thu gom và xử lý nước thải. Hiện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị đang thi công dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 2, công suất 469.000m3/ngày. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công Nhà máy Xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè, công suất 480.000m3/ngày.
Ngoài ra, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị cũng đang phối hợp với Sở Xây dựng thành phố nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho hay, mục tiêu là cập nhật và quy hoạch cốt nền cho từng khu vực, bảo đảm quy hoạch chung, phù hợp với quy hoạch thoát nước. Bên cạnh đó, lập quy hoạch chuyên biệt cho hệ thống thoát nước mưa; xác định lưu vực, tính toán hệ thống thoát nước phù hợp với các kịch bản biến đổi khí hậu…