Kết quả nghiên cứu công bố ngày 18-9 chỉ ra Trái đất rơi vào kỷ Băng hà cách đây 470 triệu năm sau khi một tiểu hành tinh nổ tung, tạo ra bức màn mây bụi khổng lồ chắn ánh nắng Mặt trời.
Do đó, giới khoa học đang tìm cách tạo ra một sự kiện nhân tạo tương tự để làm mát cho Trái đất.
Tờ Strait Times đưa tin nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học tại trường Đại học Lund ở Thụy Điển cùng Bảo tàng Field ở Chicago, Mỹ, đã tìm ra “phát hiện bất ngờ” trên. Phát hiện này có thể mở ra một hướng đi mới trong công cuộc tìm kiếm giải pháp để đối phó với vấn nạn khí hậu ấm lên toàn cầu nếu như chúng ta không thể cắt giảm khí thải carbon dioxide.
“Kết quả của chúng tôi cho thấy lần đầu tiên, mây bụi có thể làm mát Trái đất đáng kể”, Giáo sư địa chất Birger Schmitz tại Đại học Lund - Trưởng nhóm nghiên cứu - cho biết.
Trong hơn một thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu đã xem xét nhiều biện pháp nhân tạo khác nhau để hạ nhiệt Trái đất trong trường hợp xảy ra thảm họa khí hậu.
Hiện nay, họ đã tính đến khả năng sắp xếp vị trí các tiểu hành tinh, giống như vệ tinh, trong quỹ đạo quanh Trái đất để liên tục giải phóng bụi mịn và chắn một phần ánh nắng.
Ông Schmitz giải thích: “Điều này tương tự như việc bạn đứng giữa phòng khác và đập tung một túi đựng rác của máy hút bụi, nhưng với quy mô lớn gấp nhiều lần”.
Trong 25 năm qua đã có nhiều giả thuyết khác nhau về căn nguyên dẫn đến Kỷ Băng hà. Nghiên cứu của nhóm nhà khoa học trên chỉ ra rằng cách đây 470 triệu năm, một tiểu hành tinh dài 150km giữa Sao Mộc và Sao Hỏa đã bị nghiền nát và phát tán bụi qua hệ Mặt trời, tạo ra đám mây bụi ngăn một phần ánh nắng chạm đến Trái đất.
Hiện tượng này đã gây biến đổi khí hậu từ "ít hoặc nhiều hơn đồng nhất trở nên bị phân chia thành các vùng khí hậu" và sau đó tạo ra mức độ đa dạng sinh học cao hơn.