Trả lời
Câu hỏi của bạn được tư vấn như sau:
Trước tiên, để xem xét công ty của bạn thuộc đối tượng phải xin cấp giấy phép môi trường hay đăng ký môi trường cần căn cứ vào quy mô, công suất, phát thải… của công ty.
Do bạn cung cấp chưa đủ thông tin nên bạn có thể tham khảo và đối chiếu các quy định của pháp luật với tình hình hoạt động thực tế của công ty để biết cụ thể.
Thứ nhất, đối tượng phải có giấy phép môi trường
Theo Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường 2020, đối tượng phải có giấy phép môi trường gồm: Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức. Tuy nhiên, các dự án này nếu thuộc thuộc trường hợp dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công được miễn giấy phép môi trường.
Ngoài ra, dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có tiêu chí về môi trường giống như các dự án trên cũng thuộc đối tượng phải có giấy phép bảo vệ môi trường.
Ảnh minh họa
Thứ hai, các trường hợp phải đăng ký môi trường
Theo Điều 49 Luật Bảo vệ môi trường 2020, đối tượng phải đăng ký môi trường bao gồm: Dự án đầu tư có phát sinh chất thải không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường; Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có phát sinh chất thải không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường.
Các đối tượng trên sẽ được miễn đăng ký môi trường nếu thuộc dự án đầu tư, cơ sở thuộc bí mật nhà nước về quốc phòng, an ninh hoặc dự án đầu tư khi đi vào vận hành và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không phát sinh chất thải hoặc chỉ phát sinh chất thải với khối lượng nhỏ, được xử lý bằng công trình xử lý tại chỗ hoặc được quản lý theo quy định của chính quyền địa phương.
Thứ ba, đơn vị chức năng có thẩm quyền đăng ký, cấp phép
Về cơ quan cấp giấy phép môi trường, theo Điều 41 Luật Bảo vệ môi trường 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép môi trường đối với các đối tượng: Đối tượng quy định tại Điều 39 của Luật này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; Đối tượng quy định tại Điều 39 của Luật này nằm trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên hoặc nằm trên vùng biển chưa xác định trách nhiệm quản lý hành chính của UBND cấp tỉnh; cơ sở có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cấp giấy phép môi trường đối với các dự án đầu tư, cơ sở thuộc bí mật nhà nước về quốc phòng, an ninh.
UBND cấp tỉnh cấp giấy phép môi trường đối với Dự án đầu tư nhóm II quy định tại Điều 39 của Luật này; Dự án đầu tư nhóm III quy định tại Điều 39 của Luật này nằm trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên; Đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 39 của Luật này đã được UBND cấp tỉnh hoặc Bộ, cơ quan ngang Bộ phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.
UBND cấp huyện cấp giấy phép môi trường đối với đối tượng quy định tại Điều 39 của Luật này, trừ trường hợp đã quy định ở trên.
Về cơ quan đăng ký môi trường, UBND cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận trực tiếp, qua đường bưu điện hoặc nhận bản điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đăng ký môi trường. Đối với dự án đầu tư, cơ sở trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp xã trở lên, chủ dự án đầu tư, cơ sở được quyền chọn UBND cấp xã để đăng ký môi trường.
Nguồn Theo Báo TNMT
Link bài gốchttps://baotainguyenmoitruong.vn/nhung-truong-hop-phai-co-giay-phep-moi-truong-dang-ky-moi-truong-361239.html