Ngày 21-6, người dân sống dọc theo dải hẹp từ Tây Phi tới Bán đảo Arab, Ấn Độ và vùng Đông Á có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng nhật thực hình khuyên hiếm gặp sau 11 năm.
Nhật thực hình khuyên được quan sát thấy đầu tiên ở phía Đông Bắc Cộng hòa Dân chủ Congo lúc 5h56 ngày 21-6 (giờ địa phương, tức 11h56 giờ Việt Nam), chỉ vài phút sau khi Mặt trời mọc. Đây là điểm có thể quan sát nhật thực lâu nhất, với 1 phút 22 giây.
Tiến về phía Đông qua châu Phi và châu Á, nhật thực đạt độ che phủ cực đại, tạo thành vầng sáng hoàn hảo xung quanh Mặt trăng trên bầu trời thành phố Uttarakhand của Ấn Độ, gần biên giới với Trung Quốc, lúc 12h10 giờ địa phương (13h40 giờ Việt Nam).
Tại thủ đô Nairobi của Kenya ở phía Đông châu Phi, nhật thực chỉ có thể quan sát một phần do mây giăng kín bầu trời trong đúng những giây mà Mặt trăng che phủ Mặt trời.
Ở Việt Nam, nhật thực một phần bắt đầu tại Hà Nội lúc 13h16, đạt cực đại lúc 14h55 với tỷ lệ che phủ tới 71%, kết thúc lúc 16h18.
Theo nhà thiên văn học Florent Delefie tại Đài quan sát Paris (Pháp), nhật thực hình khuyên chỉ có thể quan sát được ở khoảng 2% diện tích bề mặt Trái đất.
Nhật thực hình khuyên xảy ra khi Mặt trăng đi qua giữa Trái đất và Mặt trời nhưng không ở khoảng cách đủ gần với hành tinh của chúng ta để bị che khuất hoàn toàn, để lộ vòng tròn mỏng của đĩa Mặt trời hay còn gọi là "vòng lửa".
Sự kiện này cứ 1 - 2 năm lại xảy ra một lần và chỉ có thể quan sát ở rất ít nơi trên thế giới. Nhật thực năm nay trùng với hạ chí, ngày dài nhất ở Bắc bán cầu khi cực Bắc của Trái đất nghiêng về phía Mặt trời nhiều nhất.
Nhật thực xảy ra khoảng 2 tuần trước hoặc sau nguyệt thực, khi Mặt trăng di chuyển vào vùng bóng của Trái đất. Nguyệt thực thường quan sát được ở khoảng 50% bề mặt Trái đất.
Trong năm nay, dự kiến sẽ xảy ra hiện tượng nhật thực tiếp theo vào ngày 14-12 tới ở khu vực Nam Mỹ.