(HNM) - Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong bảo vệ môi trường đã nêu rất rõ hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định sẽ bị xử phạt với mức lên đến 7 triệu đồng. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn xảy ra ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố Hà Nội do việc thực hiện quy định còn nhiều vướng mắc, đòi hỏi phải sớm xây dựng và hoàn thiện các biện pháp xử phạt để môi trường luôn xanh, sạch, đẹp.
Việc xử phạt gặp nhiều khó khăn
Theo quy trình thu gom, vận chuyển rác thải, các đơn vị tiến hành thu gom rác thải thường bắt đầu làm việc từ 17h hằng ngày. Tuy nhiên, từ sáng 1-12, tại tuyến phố Mạc Thái Tổ, đoạn giao ngã tư Nguyễn Quốc Trị (giáp ranh giữa quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm), đã xuất hiện những túi rác thải vứt vội ở vỉa hè. Gần đó, vỉa hè từ ngã tư Mạc Thái Tổ - Nguyễn Quốc Trị đến trước cổng Trường Trung học cơ sở Nam Trung Yên, nhiều rác thải bị vứt ngay sát lề đường.
Chị Nguyễn Thu Uyên, ở phố Mạc Thái Tổ cho biết: “Có lúc công nhân thu gom rác vừa đi khỏi, tuyến phố đã lại xuất hiện những túi rác mới”. Trên tuyến đường nhánh nối từ đường Trần Hữu Dực đến phố Tân Mỹ (quận Nam Từ Liêm) hoặc lối rẽ vào Công viên hồ điều hòa Mai Dịch, phía đường Trần Vỹ (quận Cầu Giấy), rác thải cũng bị vứt khá tràn lan ở hè phố, lề đường...
Không chỉ trên các tuyến phố lớn, tại chợ Thành Công (quận Ba Đình), nhiều đống vỏ rau, quả do các tiểu thương thải ra cũng còn rải rác. Một số tuyến phố, ngõ nối với đường Trường Chinh, phố Hoàng Cầu thuộc địa bàn quận Đống Đa; khu vực bờ sông Sét, phường Tân Mai (quận Hoàng Mai), người dân vứt đồ đạc cũ hỏng, rác thải… khiến khu vực trở nên nhếch nhác. Tại Khu tái định cư Mỗ Lao (quận Hà Đông) cũng xuất hiện những đống rác lưu cữu nhiều ngày.
Hành vi vứt rác thải nơi công cộng rõ ràng vi phạm quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP. Tuy mức phạt lên đến 7 triệu đồng, nhưng dường như chưa được nhiều người bận tâm bởi trên thực tế, những hành vi này rất ít khi bị xử phạt do việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa Trương Minh Quang cho biết, Nghị định 155/2016/NĐ-CP hiện vẫn chưa có thông tư hướng dẫn về quy trình xử lý, chưa có mẫu biên bản xử phạt nên gây khó khăn cho lực lượng chức năng.
Cần giải quyết tận gốc
Để xử lý tình trạng vứt rác sinh hoạt bừa bãi, Trưởng phòng Điều hành sản xuất (Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội - URENCO) Hoàng Văn cho biết, tại một số tuyến phố thường có rác để không đúng nơi quy định, URENCO phân công công nhân chụp ảnh người vi phạm để nhắc nhở. Giám đốc chi nhánh Thủ đô (Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên) Cao Thế Cường thì cho rằng, để ngăn ngừa vấn nạn này, rất cần sự tham gia của chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, xử lý người cố tình vi phạm.
Thực tế, trong khi chưa có cơ chế xử phạt cụ thể, ở cấp cơ sở, nhiều giải pháp đã được vận dụng. Theo Chủ tịch UBND phường Khâm Thiên (quận Đống Đa) Nguyễn Quý Tùng, khu dân cư số 7 của phường đã lập chốt nhắc nhở người dân đổ rác từ 18h-21h hằng ngày. Nhiều cán bộ tổ dân phố tự tay dọn rác nên đã tác động đến nhận thức của nhiều người, giúp hạn chế phần nào vi phạm.
Còn tại phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm), lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền trên loa truyền thanh để nhắc nhở người dân vứt rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Bên cạnh những giải pháp trên, nhiều địa phương còn ứng dụng mạng xã hội để tuyên truyền, khuyến khích cộng đồng dân cư cùng phản ánh vi phạm, ngăn chặn hình thành các "điểm đen" rác thải và là căn cứ để lãnh đạo địa phương chỉ đạo giải quyết...
Tuy nhiên, về lâu dài, không thể thiếu một hành lang pháp lý đầy đủ. Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa Trương Minh Quang thông tin thêm, UBND quận Đống Đa đã đề xuất cấp thẩm quyền đề nghị cơ quan chức năng sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 155/2016/NĐ-CP để có căn cứ xử lý. Bên cạnh đó, cũng cần có hình thức khuyến khích người dân tố giác vi phạm.
Còn Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình Lê Tất Thành cho biết, hiện nhiều tổ dân phố thông qua hệ thống camera của nhà dân đã chụp lại ảnh người vứt rác bừa bãi, dán lên bảng tin phường để tìm người vi phạm. Quá trình thực hiện việc xử phạt, cần có cơ chế cho phép trích xuất dữ liệu từ hệ thống camera để làm chứng cứ.
Để có một Thủ đô sạch, đẹp thì các quy định pháp luật về xử phạt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường phải sớm được hoàn thiện và người dân cần nâng cao ý thức. Đó chính là giải pháp giải quyết được tận gốc vấn đề.