Được nạp đầy nhiên liệu hạt nhân, lò phản ứng Akademik Lomonosov đã rời cảng Murmansk ở Bắc Cực để bắt đầu một hành trình dài 5.000km tới cảng Pevek ở Đông Bắc Siberia.
Ngày 23-8, Nga đã hạ thủy lò phản ứng hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới để tham gia một hành trình dài khắp Bắc Cực, bất chấp cảnh báo của các nhà hoạt động môi trường về một thảm họa "Chernobyl trên băng".
Được nạp đầy nhiên liệu hạt nhân, lò phản ứng Akademik Lomonosov đã rời cảng Murmansk ở Bắc Cực để bắt đầu một hành trình dài 5.000km tới cảng Pevek ở Đông Bắc Siberia.
Tập đoàn hạt nhân Rosatom cho biết, lò phản ứng này là giải pháp thay thế đơn giản hơn là xây dựng một nhà máy điện truyền thống trên mặt đất bị đóng băng quanh năm và tập đoàn dự định xuất khẩu những lò phản ứng như thế này.
Tuy nhiên, các nhóm hoạt động môi trường từ lâu đã cảnh báo về nguy cơ của dự án này, coi đó là một "Chernobyl trên băng" và một "Titanic hạt nhân" tiềm ẩn.
Hành trình của lò phản ứng này dự kiến kéo dài từ 4 đến 6 tuần, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết và lượng băng trên lộ trình. Khi đến thị trấn Pevek, nơi có khoảng 5.000 người dân sinh sống ở khu vực Chukotka thuộc Siberia, lò phản ứng này sẽ thay thế cho một nhà máy hạt nhân của địa phương và một nhà máy nhiệt điện đã bị đóng cửa.
Lò phản ứng này sẽ đi vào hoạt động trước cuối năm 2019, chủ yếu phục vụ các giàn khoan dầu ở khu vực này trong bối cảnh Nga đang mở rộng việc khai thác hydrocarbon ở Bắc Cực.