Bất chấp việc ngành công nghiệp hạt nhân trong nước đang gặp giai đoạn khó khăn, Mỹ vẫn tìm cách đưa các lò phản ứng hạt nhân lên sao Hỏa và Mặt trăng.
Kênh truyền hình RT (Nga) đưa tin ngành công nghiệp hạt nhân ở Mỹ đang phải chật vật để duy trì hoạt động do vướng phải sự ngờ vực của công chúng và giới chính trị gia, chi phí xử lý chất thải hạt nhân đội giá trong khi thị trường lại tràn ngập khí đốt tự nhiên giá rẻ. Dù vậy, quốc gia này vẫn ấp ủ tham vọng xây dựng nhà máy hạt nhân bên ngoài biên giới, thậm chí là trên không gian.
Chỉ vài năm tới, Mỹ sẽ đưa lò phản ứng hạt nhân lên Mặt trăng và sao Hỏa. Theo tiết lộ của các thành viên thuộc dự án Kilopower, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cùng Bộ Năng lượng Mỹ đã phối hợp thực hiện dự án trên và nước này có thể khai thác năng lượng hạt nhân trên vũ trụ trong tương lai gần.
“Kilopower là một dự án công nghệ ngắn hạn nhằm phát triển các nền tảng và công nghệ sơ bộ có thể sử dụng trong một hệ thống năng lượng hạt nhân phân hạch giá cả phải chăng để cho phép hoạt động lâu dài trên bề mặt hành tinh”, NASA thông báo.
Về chuyên môn, trọng tâm của Kilopower là việc sử dụng một lò phản ứng phân hạch thí nghiệm để cung cấp năng lượng cho những trạm nghiên cứu của Mỹ trên Mặt trăng và sao Hỏa, cho phép các nhà nghiên cứu sống và làm việc trên không gian trong sứ mệnh dài ngày hơn hiện nay.
Mặc dù dự án này nghe giống như truyện khoa học viễn tưởng nhưng lò phản ứng phân hạch Kilopower đã vượt qua thành công ở các giai đoạn thử nghiệm trên mặt đất. Ông Patrick McClure, trưởng dự án xây dựng lò phản ứng hạt nhân trên vũ trụ cho biết, không những dự án này đã trở thành sự thật mà nó sẽ sớm đi vào hoạt động trong tương lai rất gần. Phát biểu trước NASA, ông McClure khẳng định: “Tôi tin rằng chúng ta có thể làm điều này trong ba năm”.
Trong khi đây không phải lần đầu tiên năng lượng hạt nhân được sử dụng trong các nỗ lực làm chủ không gian, dự án Kilopower lại lớn và tham vọng hơn cả.
Theo trang Space.com, năng lượng hạt nhân đã được dùng cho tàu vũ trụ nhiều thập kỷ nay. Tàu thăm dò Voyager 1 và Voyager 2 của NASA, tàu không gian New Horizons và tàu vũ trụ Curiosity Mars cùng nhiều robot thám hiểm khác đã sử dụng máy phát nhiệt điện đồng vị phóng xạ (RTG) - chuyển đổi nhiệt lượng từ sự phân rã phóng xạ của plutoni-238 thành điện năng.
Tuy nhiên, mô hình máy RTG trên không thể sản xuất đủ năng lượng cho một trạm nghiên cứu có người sống trên Mặt trăng hay sao Hỏa. Nguồn điện do RTG sản sinh ra tương đối thấp. Cỗ máy này trên tàu Curiosity Mars chỉ sản xuất ra 110 watt điện tại thời điểm bắt đầu sứ mệnh.
Trái lại, Kilopower là nguồn năng lượng mạnh hơn nhiều lần. Tạp chí Futurism đưa tin nguyên mẫu của Kilopower sẽ to bằng cái tủ lạnh và nằm vừa trong một quả tên lửa đẩy. Nó có thể cung cấp khoảng 40 kilowatt điện – đủ điện dùng cho 8 hộ gia đình trên Trái đất.
Nếu các thử nghiệm trên không gian đầu tiên của Kilopower được tiến hành trong vòng ba năm tới và nếu thành công, dự án sẽ mở ra một kỷ nguyên hoàn toàn mới cho ngành nghiên cứu vũ trụ và công nghiệp. Khả năng đưa con người vào không gian trong quãng thời gian dài hơn cùng với nguồn năng lượng ổn định hơn cho các dự án lớn hơn sẽ mở ra cánh cửa cho vô số điều vốn chỉ là tưởng tượng cho đến tận bây giờ, biến ngành công nghiệp vũ trụ trị giá 400 tỷ USD này thật sự cất cánh.