Trong báo cáo đánh giá thường niên về thực trạng biến đổi khí hậu và năng lực ứng phó của con người công bố ngày 3-12, Liên hợp quốc nhận định thập kỷ này sẽ là thập kỷ nóng nhất trong lịch sử.
Báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết, tính đến thời điểm này của năm 2019, nhiệt độ toàn cầu đã ở mức cao hơn 1,1 độ C so với nhiệt độ trung bình thời kỳ tiền công nghiệp, theo đó năm 2019 đang trên đà trở thành một trong 3 năm nóng nhất trong lịch sử.
Khí phát thải từ các hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, trồng trọt và vận chuyển hàng hóa khiến năm 2019 có nguy cơ phá kỷ lục về mật độ carbon trong khí quyển.
Trong khi đó, các đại dương, vốn hấp thụ tới 90% lượng nhiệt từ khí thải gây hiệu ứng nhà kính, cũng đang ghi nhận mức nhiệt kỷ lục.
Các vùng biển trên thế giới có mức axít nhiều hơn 25% so với cách đây 150 năm, đe dọa hệ sinh thái biển mà hàng tỷ người trên thế giới đang phụ thuộc để kiếm sống.
Tháng 10 vừa qua, mực nước biển trên toàn cầu cũng tăng lên mức kỷ lục, do sự tan chảy của 329 tấn băng tại Greenland trong suốt một năm.
Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas nhấn mạnh tần suất xảy ra nắng nóng và lũ lụt đang ngày càng tăng. Với mức nhiệt cao hơn 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, năm 2019 đã ghi nhận nắng nóng khắc nghiệt tại châu Âu, Australia và Nhật Bản, sự tàn phá của siêu bão tại Đông Nam châu Phi, cũng như các trận cháy rừng tại Australia và bang California của Mỹ.
Báo cáo của WMO nêu rõ trong 4 thập kỷ qua, mỗi thập kỷ đều nóng hơn so với thập kỷ trước đó. Do đó, biến đổi khí hậu không còn là hiện tượng mà các thế hệ tương lai phải đối mặt, mà hiện tại hàng triệu người đang phải gánh chịu tổn hại do những tác động từ hoạt động khai thác và tiêu thụ của con người.
Theo báo cáo, hơn 10 triệu người đã phải di dời trong nửa đầu năm 2019, trong đó 7 triệu người phải chịu tác động từ các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, hạn hán, lũ lụt.
WMO ước tính đến cuối năm nay, số người phải di tản do thời tiết cực đoan sẽ tăng lên 22 triệu người.
Những cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 25) đang diễn ra tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha.
Dự kiến, COP 25 tập trung chủ yếu vào việc hoàn tất bộ quy tắc triển khai Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu, để hiệp định này có thể được thực hiện từ năm 2021.
Mục tiêu của Hiệp định Paris, được 197 quốc gia ký kết và 185 nước thông qua, là duy trì mức tăng nhiệt độ Trái đất không vượt ngưỡng 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo kể cả khi các cam kết của Hiệp định Paris được thực thi, Trái đất vẫn đang trên đà tăng thêm 3 độ C vào cuối thế kỷ này.