Ngày 26-5, sau hai ngày xét xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt bị cáo Trần Hoàng (nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Liên doanh Việt Nga - VRB, Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh) 12 năm tù về tội “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Cùng tội danh trên, các bị cáo Trần Đình Diệu (nguyên cán bộ Phòng Quan hệ khách hàng VRB) lĩnh án 10 năm tù; Lê Vũ Trường Sanh (nguyên Phó Trưởng phòng Quan hệ khách hàng VRB) 9 năm tù; Phạm Bá Chánh (nguyên Phó Trưởng phòng Quan hệ khách hàng VRB) 8 năm tù.
Bị cáo Lê Nông (nguyên Giám đốc VRB) nhận mức án 3 năm tù nhưng hưởng án treo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Hội đồng xét xử nhận định, căn cứ vào các chứng cứ và quá trình xét xử công khai tại tòa, đủ cơ sở xác định bị cáo Trần Hoàng cùng những bị cáo trên vi phạm các quy định về cho vay và tài sản đảm bảo, khiến VRB mất khả năng thu hồi khoản nợ 120 tỷ đồng.
Cụ thể, vào giai đoạn 2008-2009, bị cáo Trần Đình Diệu đề xuất cấp trên là bị cáo Trần Hoàng phê duyệt quyết định giải ngân cho Công ty Minh Chí và Công ty An Phúc (do vợ chồng Phạm Thị Ái Loan và Hồ Minh Hậu làm đại diện pháp luật) vay số tiền 130 tỷ đồng và được Trần Hoàng đồng ý.
Quá trình giải ngân, bị cáo Hoàng và cấp dưới vi phạm nhiều nguyên tắc về tài sản đảm bảo, duyệt hồ sơ vay vốn khi không có tài sản đảm bảo cho khoản vay. Cụ thể, Lê Vũ Trường Sanh đồng ý đề xuất, giải ngân 9 khoản vay, gây thiệt hại gần 32 tỷ đồng.
Tương tự, Phạm Bá Chánh đề xuất giải ngân một khoản vay nhưng không có tài sản đảm bảo, gây thiệt hại 22 tỷ đồng. Đến tháng 2-2010, vợ chồng Loan bỏ trốn, để lại khoản nợ 120 tỷ đồng.
Đối với bị cáo Lê Nông, Hội đồng xét xử nhận định bị cáo không chỉ đạo, yêu cầu thực hiện biện pháp đảm bảo tiền vay theo các quy định cũng như không có biện pháp kiểm tra, xử lý hoạt động của cấp dưới. Hành vi trên cấu thành tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Vụ án này được khởi tố từ năm 2010. Quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan tố tụng nhiều lần trả hồ sơ để giám định lại các tài sản thế chấp, xác định thiệt hại vụ án. Năm 2016, vụ án được tạm đình chỉ với lý do các tài sản bảo đảm là các bất động sản tại quận 2 có giá trị để thu hồi nợ.
Nhưng tới đầu năm 2018, cơ quan tố tụng phục hồi điều tra vì cho rằng các tài sản trên không có giá trị thế chấp, không được kê biên giải quyết trong vụ án. Quyết định này căn cứ vào giám định của Ngân hàng Nhà nước cho là các tài sản VRB nhận thế chấp không đảm bảo theo quy định.