(HNMO) - Ngày mai (18-9), bão số 5 sẽ đi thẳng vào vùng biển và đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ với sức gió cấp 10-11, giật cấp 13. Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, các cấp, các ngành, địa phương đã khẩn cấp triển khai phương án ứng phó.
Ngày 17-9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã kiểm tra, chỉ đạo công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 5 tại các tỉnh miền Trung.
Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với bão tại cảng cá Thuận An, huyện Phú Vang. Báo cáo với Phó Thủ tướng về công tác phòng, chống bão, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, tỉnh đã kêu gọi tất cả tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn; đã xây dựng và sẵn sàng triển khai phương án sơ tán 28.128 hộ dân (106.612 người) đến nơi an toàn, bảo đảm thông tin liên lạc, điện lưới, dự trữ hàng hóa thiết yếu, quản lý công trình hồ đập đang xây dựng.
Nhận định không còn nhiều thời gian trước khi bão đổ bộ vào đất liền, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tỉnh Thừa Thiên - Huế và các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp khẩn cấp triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, các tỉnh, thành phố tập trung hướng dẫn người dân neo đậu tàu thuyền an toàn; di dời, gia cố lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản; chủ động sơ tán toàn bộ người trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy, hải sản trên biển, vùng cửa sông, trên các đầm phá ven biển trước khi bão đổ bộ; tổ chức sơ tán người dân tại các khu vực có nguy cơ cao bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 17-9, các tỉnh, thành phố ven biển đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 58.345 phương tiện, tàu thuyền tránh bão (trong đó có 51.351 tàu thuyền neo đậu an toàn tại các bến cảng). Bộ Quốc phòng đã điều động 259.918 cán bộ, chiến sĩ; 2.798 phương tiện sẵn sàng triển khai phương án cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ các địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 5.
Các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế… đã ban hành lệnh cấm biển; xây dựng phương án và sẵn sàng sơ tán 295.859 hộ dân, tương đương 1.177.486 người khi bão đổ bộ vào đất liền với sức gió cấp 10-11.
Cập nhật về diễn biến của bão, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, 16h ngày 17-9 bão số 5 đã vào vùng biển phía Nam của quần đảo Hoàng Sa; sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Đến 4h sáng mai (18-9), bão số 5 cách thành phố Đà Nẵng khoảng 220km, cách tỉnh Quảng Trị khoảng 300km, cách tỉnh Quảng Bình khoảng 400km; sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 13. Sau thời gian trên, bão số 5 đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam với sức gió mạnh nhất cấp 9-10, giật cấp 12. Đến 16h ngày 18-9, tâm bão nằm trên đất liền các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế với sức gió mạnh cấp 9, giật cấp 11.
Hà Nội sẵn sàng ứng phó mưa lớn trên diện rộng
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5 kết hợp với bộ phận không khí lạnh ở phía Bắc đang tràn xuống khu vực Bắc Bộ nên từ chiều tối 18 đến ngày 19-9, thành phố Hà Nội xảy ra mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Cụ thể, lượng mưa tại các huyện phía Nam Hà Nội là 50-100mm/đợt; khu vực trung tâm thành phố và các huyện phía Bắc 50-80mm/đợt, các huyện phía Tây 40-70mm/đợt. Trong những ngày xảy ra mưa dông, thời tiết Hà Nội tương đối dịu mát, nhiệt độ cao nhất 29-31 độ C, thấp nhất 25-27 độ C.
Đề phòng khả năng xảy ra úng ngập, các đơn vị thoát nước, thủy lợi của thành phố đã kiểm tra máy móc, khơi thông dòng chảy và sẵn sàng vận hành hệ thống tiêu thoát nước đệm khu vực đô thị và nội đồng. Các quận, huyện, thị xã đã vận động nông dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa vụ mùa theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.