Một mô hình sử dụng thuốc BVTV an toàn tại Đồng Tháp
Kỳ vọng từ dự án thí điểm
Năm 2021, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp và Hiệp hội CropLife Việt Nam đã cùng nhau triển khai Chương trình Hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm tại tỉnh Đồng Tháp trong giai đoạn 5 năm 2021 – 2026. Chương trình Hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm tại tỉnh Đồng Tháp trong giai đoạn 5 năm 2021 – 2026 được xây dựng với mục đích hỗ trợ nông dân tại tỉnh Đồng Tháp tiếp cận tới các chương trình tập huấn về sử dụng thuốc BVTV trên các cây trồng chủ lực của tỉnh một cách an toàn, hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức và thực hành sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, giảm tình trạng lạm dụng thuốc, đồng thời xây dựng các mô hình sản xuất nông sản an toàn, chất lượng cao, phục vụ tiêu dùng và đạt tiêu chuẩn để cấp mã số vùng trồng cho xuất khẩu.
Cục BVTV đánh giá: Chương trình tại Đồng Tháp được kỳ vọng là dự án thí điểm về tập huấn sử dụng thuốc BVTV. Kết quả và lợi ích thực tiễn từ chương trình được kỳ vọng sẽ lan toả và tạo động lực để nhân rộng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh thành khác trên cả nước. Chương trình cũng cho thấy trách nhiệm của các bên tham gia cũng như tầm quan trọng của việc hợp tác, phối hợp nguồn lực giữa Chính Phủ – Địa Phương – Khối tư nhân (Hiệp hội và Doanh nghiệp) trong việc hỗ trợ, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV nói riêng và vật tư nông nghiệp đầu vào nói chung hướng tới canh tác nông nghiệp bền vững.
Theo khung hợp tác, dựa theo đề xuất và nhu cầu canh tác thực tiễn tại địa phương, các bên sẽ xây dựng các hoạt động cụ thể theo từng năm với trọng tâm: Triển khai các lớp tập huấn trực tiếp cho nông dân, đại lý trên địa bàn tỉnh cùng cán bộ địa phương. Các nội dung tập huấn bao gồm: quy định và nguyên tắc quan trọng trong sử dụng, buôn bán và quản lý thuốc BVTV; thực hành Quản lý Dịch hại Tổng hợp (IPM); thu gom xử lý bao gói thuốc sau sử dụng; sử dụng đồ bảo hộ và các phương pháp xử lý sự cố…; Xây dựng mô hình canh tác bền vững kết hợp với tập huấn (lý thuyết và thực hành) về sử dụng thuốc và phòng trừ dịch hại trên một số cây trồng chủ lực của tỉnh; Phát động chiến dịch thu gom vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; Bổ sung bình chứa bao gói thuốc BVTV trên đồng ruộng và kho lưu chứa tại các mô hình. Về dài hạn, hỗ trợ triển khai quy trình & hoạt động thu gom xử lý bao gói thuốc BVTV một cách bền vững.
Đồng thời chương trình tăng cường hoạt động truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nông dân và cộng đồng về tầm quan trọng của việc sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm, thông qua việc biên soạn tài liệu tập huấn chung về sử dụng thuốc BVTV; sổ tay hướng dẫn phòng trừ dịch hại cho các cây trồng chủ lực; tờ rơi, áp phích phát tận tay cho nông dân và đại lý; lắp đặt pano lớn tại các vùng canh tác trọng điểm; Tiến hành thanh tra, kiểm tra thường xuyên tới cơ sở buôn bán kinh doanh thuốc BVTV nhằm tăng cường quản lý chất lượng thuốc BVTV đang lưu hành.
Khảo sát, thu thập ý kiến đánh giá – phản hồi của nông dân, đại lý và cán bộ địa phương về hiệu quả của các hoạt động trong chương trình để tiến hành báo cáo đánh giá tác động của chương trình qua từng năm và sau 5 năm triển khai; qua đó, đề xuất giải pháp và cách thức nâng cao chất lượng và hiệu quả của những chương trình tập huấn trong tương lai.
Xây dựng mô hình sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm trên các cây trồng chủ lực
Qua 3 năm, chương trình đã triển khai nhiều lớp tập huấn dành cho nông dân, đại lý về các quy định và nguyên tắc sử dụng thuốc BVTV; Thực hành IPM; Sử dụng thuốc luân phiên theo phương thức tác động (MoA). Với mục tiêu gia tăng số lượng nông dân và đại lý được tập huấn, mỗi năm Chi cục Trồng trọt & BVTV (đơn vị triển khai trực tiếp) đã vận động và giới thiệu nông dân và đại lý mới tham gia các lớp tập huấn. Cán bộ tập huấn bao gồm chuyên viên từ Chi Cục BVTV & Trồng trọt/Trung tâm dịch vụ nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp và chuyên gia kỹ thuật đến từ CropLife Việt Nam. Nông dân và đại lý khi tham gia các lớp sẽ được phát tài liệu tập huấn (bản in và bản điện tử); bộ đồ bảo hộ cá nhân khi sử dụng thuốc và tờ rơi/ áp phích về một số nguyên tắc an toàn trong sử dụng thuốc BVTV và xử lý bao gói thuốc.
Chương trình đã triển khai hai đợt tập huấn cho cán bộ của tỉnh. Nội dung tập huấn bao gồm giới thiệu và cập nhật những nguyên tắc, quy định về sử dụng và quản lý thuốc BVTV; thực hành IPM và sử dụng thuốc luân phiên, cũng như một số công nghệ phun thuốc mới như Drone. Mục tiêu của các hoạt động tập huấn này nhằm giúp trang bị thêm kiến thức và kỹ năng cho các cán bộ tại địa phương; từ đó, họ có thể tiếp tục chia sẻ và tập huấn cho các nông dân tại địa phương về sử dụng thuốc BVTV một cách có trách nhiệm.
Sau 3 năm triển khai dự án đã có 78 lớp tập huấn cho 3.140 nông dân; Tổ chức 16 lớp tập huấn cho 977 đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp; Thực hiện 2 đợt tập huấn cho 100 cán bộ tại tỉnh Đồng Tháp. Chương trình đã cung cấp 3.750 bộ đồ bảo hộ cá nhân cho nông dân khi phun và pha chế thuốc.
Một kết quả đặc biệt của chương trình là các bên đã lựa chọn và triển khai tập huấn nông dân về sử dụng thuốc BVTV và phòng trừ dịch hại trên các cây trồng chủ lực của tỉnh. Đây là những mô hình thí điểm trong việc hướng dẫn nông dân thực hành các phương thức canh tác bền vững, từ đó nhân rộng sang các địa bàn lân cận với cây trồng tương tự. Điểm khác biệt về tập huấn trong mô hình đó là nông dân tham gia sẽ được tập huấn về sử dụng thuốc BVTV theo từng đợt, dựa trên quá trình sinh trưởng của cây trồng.
Các cán bộ tập huấn sẽ không chỉ cung cấp các thông tin về lý thuyết mà còn trực tiếp "cầm tay chỉ việc" hướng dẫn nông dân về kỹ thuật, cách thức lựa chọn, pha chế, phun thuốc BVTV và xử lý bao gói thuốc sau sử dụng. Những lưu ý về các loại dịch hại phổ biến và phương thức thực hành IPM để phòng trừ các loại dịch hại này cũng được phổ biến cho nông dân trong mô hình. Trong hai năm đầu, chương trình cũng lắp đặt bộ bể chứa để thu gom vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng và hướng dẫn nông dân cách thu gom đúng cách.
Thống kê kết quả sau 3 năm của dự án cho thấy đã xây dựng 6 mô hình trên các cây trồng chủ lực của tỉnh bao gồm: Lúa tại Lấp Vò; Hoa kiểng tại Sa Đéc; Sầu riêng tại Châu Thành; Ớt tại Thanh Bình; Xoài tại Cao Lãnh và Cây có múi tại Lai Vung… Tổng diện tích triển khai mô hình đạt 352.7 ha; Hoàn thiện 6 cuốn sổ tay tập huấn phòng trừ dịch hại trên các cây trồng tại mô hình; Tổ chức 24 lớp tập huấn cho 606 hộ nông dân tham gia mô hình (bao gồm cả tập huấn lý thuyết và thực hành); Lắp đặt 55 bộ thùng lưu chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng và xây dựng 1 nhà kho lưu trữ – tập kết bao gói thuốc trước khi mang đi tiêu huỷ.
Đỗ Hương
Nguồn baochinhphu.vn
Link bài gốchttps://baochinhphu.vn/hop-tac-cong-tu-nang-cao-y-thuc-su-dung-thuoc-bvtv-102241205112129514.htm