Hệ thống xử lý chất thải 8 năm qua chưa sử dụng ngày nào
Năm 2008, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi thực hiện dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng BVĐK huyện Nghĩa Hành với tổng vốn đầu tư hơn 22 tỉ đồng. Trong đó, ngoài hạng mục xây dụng khối nhà khoa, tầng, dự án này còn xây dựng lò đốt chất thải rắn và nhà xử lý nước thải.
Sau hai năm thi công, đến năm 2010 công trình được đưa vào sử dụng nhưng cả hai hệ thống xử lý chất thải và nước thải rơi vào tình cảnh "đắp chiếu", bỏ hoang, hư hỏng. Hằng ngày, lượng nước thải y tế và rác thải của BV không biết đổ về đâu.
Hệ thống xử lý nước thải nhiều năm ngừng hoạt động (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)
Bác sĩ Nguyễn Đợi, PGĐ BVĐK huyện Nghĩa Hành chia sẻ trên báo Nông nghiệp Việt Nam: “Hệ thống xử lý nước thải không được đấu nối, dẫn vào hệ thống nào nên không có nước thải tập trung về để xử lý. Hiện nay nước thải y tế và nước thải sinh hoạt của bệnh viện vẫn xử lý qua các hố ga tự hoại của từng công trình nhỏ. Riêng lò đốt rác chất thải rắn do hoạt động không đúng công suất, việc đốt chất thải rắn không đảm bảo như thiết kế nên đành phải dừng hoạt động”.
Nguồn thông tin cho biết, cả hai hệ thống xử lý rác thải và nước thải này đã hư hỏng nặng do nhiều năm không hoạt động. Các hạng mục nhà xưởng, hệ thống đốt đang bị mục nát.
Cũng theo bác sĩ Đợi, tổng số tiền đầu tư hai hệ thống là gần 700 triệu đồng. Dự án do BQL dự án đầu tư xây dựng huyện Nghĩa Hành làm chủ đầu tư. Trong thời gian tới, bệnh viện sẽ lập đoàn kiểm tra hai hệ thống trên để có hướng xử lý sớm nhất.
Lò đốt rác cũng đã bỏ hoang từ lâu (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)
-> Đâu là thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới?
Ảnh hưởng của rác thải y tế đến con người và môi trường
Việc tiếp xúc với các chất thải y tế có thể gây nên bệnh tật hoặc tổn thương cho cơ thể do các vật sắc nhọn (như kim tiêm). Không chỉ gây nên những vết cắt, đâm các vật sắc nhọn còn gây nhiễm trùng, nguy hiểm hơn nó còn có thể là tác nhân gây bệnh truyền nhiềm như viêm gan B, HIV…
Nước thải bệnh viện còn là nơi “cung cấp” các vi khuẩn gây bệnh, nhất là nước thải từ những bệnh viện chuyên về các bệnh truyền nhiễm cũng như trong các khoa lây nhiễm của các bệnh viện. Những nguồn nước thải này là một trong những nhân tố cơ bản có khả năng làm lây lan các bệnh truyền nhiễm thông qua đường tiêu hóa.
Đặc biệt, nguy hiểm khi nước thải bị nhiễm các vi khuẩn gây bệnh có thể dẫn đến dịch bệnh cho người và động vật qua nguồn nước khi sử dụng nguồn nước này vào mục đích tưới tiêu, ăn uống…
Bơm kim tiên là loại chất thải y tế nguy hiểm nhất (Ảnh: internet)
Đối với môi trường khi chất thải y tế không được xử lý đúng cách (chôn lấp, thiêu đốt không đúng qui định, tiêu chuẩn) thì sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí và sự ô nhiễm này sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe con người, hệ sinh thái.
Như vậy, để tránh được sự nguy hại của chất thải y tế đối với sức khỏe và môi trường, và bảo vệ những người thường xuyên tiếp xúc với chất thải y tế thì ngành y tế phải quan tâm đầu tư hơn nữa cho công tác xử lý chất thải y tế.
Video: Rác thải, nước thải từ ngành y tế, từ các bệnh viện là một trong những loại chất thải nguy hại. (Nguồn: VTC 14)