(HNMO) - Trong hai ngày 24 và 25-9, tình trạng đốt rơm rạ vẫn xảy ra, gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã thành lập Tổ công tác liên ngành bao gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở NN&PTNT và Công an thành phố Hà Nội làm việc với các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố về tình hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch.
Theo đó, từ ngày 24-9 đến 7-10, Tổ công tác liên ngành sẽ làm việc với 19 huyện, thị xã để nắm tình hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch của địa phương: Hiện trạng, giải pháp, khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp xử lý.
Trước tác hại của việc đốt rơm rạ, những năm gần đây, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp hạn chế, tiến tới đẩy lùi tình trạng này vào năm 2020. Thực hiện mục tiêu trên, nhiều địa phương đã tích cực tuyên truyền để người dân ký cam kết không đốt rơm rạ, sử dụng chế phẩm xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Tuy nhiên, tình trạng đốt rơm rạ vẫn xảy ra, gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.
Qua kiểm tra thực tế ở một số huyện: Mê Linh, Phúc Thọ, Đan Phượng, Ba Vì... trong hai ngày 24 và 25-9 của Tổ công tác liên ngành, tình trạng đốt rơm rạ còn diễn ra. Nguyên nhân là do nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế; thiếu chế tài xử lý đối với người đốt rơm, còn ít mô hình sử dụng rơm rạ vào các việc có ích; việc hỗ trợ các hộ sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ thành phân bón chưa phổ biến...
Để cải thiện tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề nghị các địa phương vào cuộc quyết liệt hơn trong công tác hỗ trợ người dân xử lý rơm rạ sau thu hoạch, như: Kết nối với doanh nghiệp trong thu mua rơm rạ làm thức ăn chăn nuôi, trồng nấm, làm phân bón; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của việc đốt rơm rạ.