(HNM) - Biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết cực đoan diễn biến phức tạp. Tại khu vực nội thành, hiện tượng đảo nhiệt đô thị càng khiến thời tiết khó lường hơn. Từ đầu mùa mưa bão đến nay, Hà Nội đã hứng chịu nhiều trận mưa lớn, cơn dông lốc mạnh. Để chủ động bảo đảm an toàn cho người dân, công tác cắt tỉa cây bóng mát, điều chỉnh độ cao, độ nặng tán... qua đó hạn chế tình trạng cây gãy đổ đang được ngành chức năng của Hà Nội đặc biệt chú trọng.
Đã bảo đảm an toàn 88% cây xanh toàn thành phố
Nhớ lại trận dông lốc kinh hoàng xảy ra mới đây, chị Nguyễn Hiền Thu (ở P2310 HH3C chung cư HH Linh Đàm, quận Hoàng Mai) không khỏi lo lắng: "Đó là khoảng 17h ngày 24-8-2019, trời đột ngột nổi cơn dông, mưa ào ào trút xuống kèm theo gió giật mạnh. Tôi vừa xuống sảnh tòa nhà thì chứng kiến cơn lốc mạnh cuốn tấm pano đổ ập, thốc bay vào trước sảnh. Trận mưa dông lớn này đã khiến nhiều cây xanh ở khu vực chung cư HH Linh Đàm bị gió quật đổ; cuốn phăng nhiều bảng hiệu, mái che tại các cửa hàng...".
Chiều 29-8-2019, ảnh hưởng của bão số 4, Hà Nội lại tiếp tục xảy ra mưa dông lớn trên diện rộng. Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, đã có 92 cây xanh bị đổ, bật gốc và gãy cành; trong đó có 11 trường hợp cây đổ đè vào ô tô, dây điện; 2 trường hợp cây đổ đè vào người đi đường khiến một người tử vong tại chỗ...
Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn nhận định: Dông lốc là hiện tượng thời tiết nguy hiểm thường xảy ra vào thời điểm giao mùa và sau những đợt nắng nóng. So với khu vực nông thôn, cường độ dông lốc xảy ra tại đô thị lớn hơn do hiện tượng đảo nhiệt đô thị với nhiều công trình xây dựng bằng bê tông, nhà kính... Vì thế, cấp độ gió thường tăng khoảng 2-3 cấp. Luồng gió càng khó lường hơn do hiện tượng hút gió xoáy bởi các khối nhà cao tầng.
Nhằm bảo đảm an toàn giao thông, an toàn cho người dân, hạn chế tối đa tình trạng cây gãy đổ trong mùa mưa bão, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, ngay từ đầu năm 2019, Sở đã giao Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị rà soát khối lượng cây bóng mát có nguy cơ gãy, đổ; xây dựng kế hoạch cắt tỉa, hạ độ cao cây, gia cố cọc chống cho cây mới trồng... Đến nay, các đơn vị đã cắt tỉa, làm thưa tán, thấp tán, hạ độ cao 59.522/67.600 cây cần cắt tỉa theo kế hoạch năm 2019 (tương đương 88%). Trong đó, khu vực 12 quận hoàn thành cắt tỉa 27.915 cây/197 tuyến đường phố, 9 công viên, vườn hoa; 17 huyện và thị xã Sơn Tây hoàn thành cắt tỉa 31.626 cây/123 tuyến đường.
Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội Nguyễn Đức Mạnh thông tin: Đơn vị chúng tôi chú trọng cắt tỉa hạ độ cao, hạ tán những cây có đường kính và chiều cao lớn như xà cừ, muồng, phượng...; chặt hạ các cây sâu, mục... Công ty cũng bổ sung, gia cố gần 14.000 cọc chống với những cây trồng mới.
Chủ động phòng tránh
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội), sức tàn phá của những cơn dông lốc bất ngờ rất mạnh và nguy hiểm. Tuy nhiên, những năm gần đây, thành phố đã đầu tư nhiều phương tiện chăm sóc cây xanh hiện đại, chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, tăng cường kiểm tra, cắt tỉa, chặt hạ cây nguy hiểm, giám sát chất lượng cây bóng mát mới trồng..., nên hiện tượng cây đổ, cành gãy đã giảm rất nhiều. Cụ thể, nếu như trận “siêu dông” xảy ra ngày 13-6-2016 tại Hà Nội đã gãy đổ gần 1.300 cây xanh, 21 cột điện, 13 ô tô và nhiều xe máy bị hư hại...; thì trong trận dông lốc mạnh nhất từ đầu năm 2019 đến nay (xảy ra chiều 29-8) cũng chỉ có 92 cây bị gãy đổ.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (Sở Xây dựng), các đơn vị duy tu, duy trì hệ thống cây xanh và các quận, huyện, thị xã luôn chủ động lên phương án ứng phó, phòng ngừa, bên cạnh việc xử lý các sự cố đột xuất, giải tỏa cây gãy đổ sau mưa bão, gió lốc; bảo đảm phân luồng giao thông kịp thời...
Trao đổi thêm về việc này, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: Nhằm chủ động, hạn chế tối đa tình trạng cây gãy đổ trên địa bàn, ngay từ đầu năm, lực lượng chức năng của quận đã tiến hành rà soát, cắt sửa cây xanh theo phân cấp quản lý. Từ nay đến cuối năm 2019, quận tiếp tục đẩy nhanh việc cắt sửa khoảng 5.000 cây xanh, bảo đảm an toàn trong nửa sau của mùa mưa bão.
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng, tại một số địa phương, tình trạng mất trộm cọc chống cây mới trồng đang tăng mạnh, tiềm ẩn nguy cơ gãy đổ cây, gây nguy hiểm cho người, phương tiện tham gia giao thông trong mùa dông lốc, mưa bão.
Để đẩy mạnh chủ động phòng tránh, hạn chế tình trạng cây gãy đổ trong mùa mưa bão, cũng như ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại, hạn chế việc lấy mất cọc chống cho cây bóng mát mới trồng, ông Hoàng Cao Thắng cho biết, ngày 23-9 vừa qua, Sở đã có văn bản giao Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị đôn đốc, hướng dẫn các công ty duy tu, duy trì hệ thống cây xanh trên địa bàn thành phố tăng cường cắt tỉa cây bóng mát, điều chỉnh độ cao, độ nặng tán; kiểm tra các cột chống, khắc phục các cọc bị hỏng, mục để cây trồng mới không bị nghiêng, đổ khi có gió lớn; xây dựng quy chế phối hợp trong việc bảo vệ cọc chống cho cây bóng mát; phối hợp với các quận, huyện, thị xã khảo sát hệ thống cây bóng mát, cắt tỉa ngay cây có nguy cơ gãy đổ cao...
Với yêu cầu nói trên, từ nay đến hết năm 2019, tại các quận, Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội sẽ cắt tỉa 4.200 cây; tại các huyện và thị xã Sơn Tây, các đơn vị trúng thầu sẽ cắt tỉa, vén tán 36.000 cây.
“Thực hiện chỉ đạo của Sở Xây dựng, các lực lượng chức năng đang tiếp tục thực hiện việc cắt tỉa cây xanh ở các tuyến đường trọng điểm trên địa bàn thành phố. Qua đó hạn chế cây đổ đến mức thấp nhất trong mùa mưa bão, bảo đảm an toàn cho người dân”, Phó Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị Trần Anh Tuấn thông tin.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Lê Thanh Hải khuyến cáo, người dân cũng cần chủ động phòng tránh, ứng phó với dông lốc, mưa bão. Khi xuất hiện cơn dông, người dân hạn chế tối đa việc tham gia giao thông. Trường hợp đang đi trên đường, nên ngừng di chuyển, tìm ngay vị trí an toàn để trú ẩn; không tránh trú dưới gốc cây để tránh bị cây gãy đổ, bật gốc đè lên người...