(HNMO) - Từ nay đến cuối năm 2020, tình hình nắng nóng, mưa bão sẽ như thế nào? Việc mưa lũ, xả lũ hồ thủy điện ở Trung Quốc có ảnh hưởng đến Việt Nam?... Cuộc trao đổi giữa phóng viên Báo Hànộimới với ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia) sẽ giải đáp và cung cấp thông tin tới bạn đọc.
- Thưa ông, trong tháng 7 này, thành phố Hà Nội và các tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ có xảy ra những trận nắng nóng như tháng 6 vừa qua?
- Chúng tôi khẳng định, trong tháng 7 này, thành phố Hà Nội và các tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ sẽ xuất hiện 2-3 đợt nắng nóng nhưng không gay gắt và kéo dài như tháng 6. Xen giữa các đợt nắng nóng này là 1-2 đợt mưa, dông diện rộng làm nền nhiệt tại thành phố Hà Nội và các khu vực trên dịu mát hơn...
- Từ nay đến cuối năm còn bao nhiêu đợt nắng nóng, thưa ông?
- Trong tháng 6 có đợt nắng nóng kéo dài 15-20 ngày, có đợt nắng nóng kéo dài 2-3 ngày. Xét về số ngày thì trong tháng 7, khu vực Bắc Bộ có ít ngày nắng nóng hơn tháng 6. Và bước sang tháng 8, thành phố Hà Nội và các tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ sẽ không xuất hiện các đợt nắng nóng gay gắt. Còn tại các tỉnh miền Trung, nắng nóng tiếp tục duy trì nhưng cường độ giảm dần...
- Đã bước vào mùa mưa, bão, ông nhận định diễn biến mưa, bão năm nay ra sao?
- Từ nay đến cuối năm, trên Biển Đông có khoảng 10-12 cơn bão hoạt động, trong đó 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Trong tháng 7 này, trên Biển Đông ít có khả năng xuất hiện áp thấp nhiệt đới hoặc bão. Tuy nhiên, từ tháng 8 trở đi, tần suất xuất hiện áp thấp nhiệt đới, bão sẽ tăng lên và dồn dập nhất là khoảng tháng 9, 10, 11, nửa đầu tháng 12. Khu vực bão đổ bộ chủ yếu là Trung Bộ trở xuống các tỉnh phía Nam...
- Thưa ông, mưa lũ ở Trung Quốc đang khá phức tạp và gây thiệt hại nặng. Vậy, Việt Nam có chịu ảnh hưởng?
- Chúng tôi xác định nguyên nhân gây ra mưa lũ ở Trung Quốc trong một tháng qua là do dải mây Front Mei-yu. Dải mây này chủ yếu gây mưa ở khu vực phía Đông, Nam của Trung Quốc và khu vực Nhật Bản và không ảnh hưởng đến Việt Nam...
Trong thời gian qua, một số phương tiện truyền thông phản ánh đập thủy điện Tam Hiệp trên sông Dương Tử (Trung Quốc) xả lũ và lo ngại sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam. Tuy nhiên, do sông Dương Tử chảy ra khu vực biển của Nhật Bản và cách rất xa Việt Nam nên chúng ta không phải quan ngại về việc này.
- Tình hình mưa lũ ở Trung Quốc đã phần nào phản ánh những hệ lụy của biến đổi khí hậu. Vậy, ở Việt Nam từ nay đến cuối năm, ngoài các trận bão liệu có xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường và làm gì để giảm thiệt hại?
- Trong bầu khí quyển, độ ẩm không khí là cân bằng, nếu mưa ở nơi này thì sẽ gây nắng nóng ở nơi kia. Thực tế trong tháng 6 vừa qua, Trung Quốc mưa rất nhiều, trong khi Việt Nam lại có nhiều ngày nắng nóng. Từ đó, chúng tôi lo ngại trong giai đoạn cuối năm nay, khả năng mưa lũ sẽ dồn dập ở khu vực Trung Bộ và phía Nam, gây ra hiện tượng lũ chồng lũ hoặc mưa lũ nối tiếp nhau...
Để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thời tiết, thiên tai gây ra, chúng tôi đang nỗ lực nâng cao hơn nữa chất lượng các bản tin dự báo, cảnh báo; kịp thời cung cấp cho các cơ quan phòng, chống thiên tai và người dân để chủ động xây dựng, điều chỉnh bổ sung kế hoạch, phương án phòng ngừa, ứng phó...
- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!