(HNM) - Qua 2 năm triển khai mô hình “Xứ, họ đạo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu”, đồng bào Công giáo Thủ đô đã tích cực chung tay bảo vệ môi trường bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, góp phần xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh. Đặc biệt, vai trò gương mẫu của người đứng đầu các xứ, họ đạo trên địa bàn thành phố chiếm vị trí quan trọng.
Nhiều mô hình hay
Những ngày đầu tuyên truyền, vận động bà con giáo dân xóa điểm chân rác trước cổng nhà thờ Giáo xứ An Thái (phường Bưởi, quận Tây Hồ) được ông Hàn Tiến Hạnh - Trưởng ban Mục vụ Giáo xứ An Thái, coi là quãng thời gian ghi dấu ấn sâu đậm tình đoàn kết lương - giáo ở đây. Qua việc thực hiện mô hình “Xứ, họ đạo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu”, bà con lương - giáo đã cùng nêu cao ý thức tự giác, nhắc nhau giữ gìn cảnh quan môi trường khu dân cư sạch, đẹp.
Ông Hàn Tiến Hạnh chia sẻ: “Dù có sự ủng hộ của cấp ủy, Ban Công tác Mặt trận của khu dân cư, tổ dân phố nhưng không phải trong vài ngày là hình thành được nếp đổ rác đúng giờ, giữ gìn vệ sinh môi trường. Kết quả này là nhờ hơn 2 tháng vừa đôn đốc, vừa nhắc nhở, động viên bà con tạo thành thói quen cứ thấy kẻng mới mang rác ra đổ”. Thông tin thêm, bà Lâm Thị Tuyết Mai (Giáo xứ An Thái) cho biết: “Nhờ tạo nếp đổ rác đúng giờ mà chúng tôi đã xóa được chân rác tồn tại nhiều năm ở đây...”.
Thực hiện mô hình “Xứ, họ đạo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu”, 2 năm qua, giáo họ Đình Quán (phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm) đã vận động bà con giáo dân tích cực trồng cây xanh tại nhà và nơi công cộng. Bên cạnh đó, 100% giáo dân qua đời đều thực hiện hỏa táng. Ông Lê Duy Thiềng, Trưởng ban Hành giáo, giáo họ Đình Quán cho biết: “Người Công giáo sống theo đức tin, tốt đời đẹp đạo, có trách nhiệm với xã hội. Giáo họ Đình Quán đã khơi gợi thế mạnh này để tuyên truyền cho giáo dân thực hiện bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu nên đã nhận được sự hưởng ứng tích cực”.
Ngoài hai mô hình trên còn phải kể đến việc giáo dân tại giáo họ Bến Cốc (xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn) đã tự giác trồng nhiều cây bóng mát, trị giá hơn 50 triệu đồng để tạo cảnh quan và bảo vệ môi trường. Hay như giáo họ Chằm Hạ (xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên) phối hợp với các chi hội phụ nữ trồng và chăm sóc đường hoa hai bên đường làng và khuôn viên nhà thờ. Các gia đình giáo dân nơi đây còn đóng góp tiền, ngày công xây dựng đường làng, ngõ xóm, công trình thoát nước dài 1,5km, trị giá 500 triệu đồng.
Trong khi đó, giáo họ Đồng Trì (xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì) trồng hơn 200 cây xanh và đường hoa với tổng chiều dài trên 1km. Bà con lương - giáo nơi đây còn tự nguyện đóng góp mỗi hộ 30.000 đồng/năm để có kinh phí chăm sóc hoa và cây. Giáo họ Sơn Đông (xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây) đã xử lý các “điểm đen” gây ô nhiễm môi trường. Tổ đoàn kết Giáo xứ Thái Hà (phường Quang Trung, quận Đống Đa) nhận trách nhiệm chăm sóc Vườn hoa Trần Quang Diệu, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp…
Tạo “sức bền” hơn nữa
Đồng bào Công giáo ở Hà Nội hiện đang sinh sống tại 330 xã, phường, thị trấn, trong đó có 42 thôn Công giáo toàn tòng. Công tác bảo vệ môi trường đã được các xứ, họ đạo cùng nhiều giáo dân quan tâm. Qua 2 năm triển khai, mô hình “Xứ, họ đạo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” đã thu được kết quả tích cực. Các xứ, họ đạo đều căn cứ vào tình hình địa bàn để thống nhất với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ban, ngành chức năng các cấp xây dựng những nội dung, tiêu chí cụ thể về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tuyên truyền, vận động giáo dân thực hiện.
Trưởng ban Đoàn kết Công giáo huyện Thanh Trì Nguyễn Hữu Thắng chia sẻ: “Các mô hình bảo vệ môi trường của bà con giáo dân trong huyện duy trì được đều đặn suốt thời gian qua là do có sự đóng góp không nhỏ của những người đứng đầu. Đó là sự sâu sát của các linh mục, sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể khối Mặt trận”.
Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Hà Nội Phạm Huy Thông cho biết: “Việc Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố ký cam kết với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường, các tổ chức tôn giáo khác tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được đồng bào Công giáo rất quan tâm, hưởng ứng. 2 năm qua, mô hình đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành vi của giáo dân, cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ môi trường”.
Để tạo “sức bền” cho mô hình này, thời gian tới, Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Hà Nội tiếp tục khích lệ các xứ, họ đạo nhân rộng các điển hình giữ gìn môi trường thân thiện, xanh - sạch - đẹp, gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào thi đua “Xây dựng xứ, họ đạo tiên tiến”.