(HNMO) - Ngày 13-11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học “Giải pháp lấy nước sông Hồng bổ cập nước hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch”, với sự phối hợp của Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, Hội Xây dựng thành phố Hà Nội.
Hội thảo nhằm đóng góp ý kiến cho dự án về giải pháp nói trên của Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội, đề xuất kiến nghị với thành phố nhằm cho phép hoàn thiện, triển khai dự án. Tham dự hội thảo có đại diện các sở, ban, ngành có liên quan, một số trường đại học, viện nghiên cứu, các chuyên gia chuyên ngành…
Tại hội thảo, ông Võ Tiến Hùng, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội trình bày giải pháp bổ cập nước vào hồ Tây với phương án: Xây dựng trạm bơm cố định đặt sát mép nước sông tương ứng mực nước thấp nhất của sông Hồng, tuyến ống xả dẫn nước từ trạm bơm qua ngõ 464 Âu Cơ - qua đê - đi theo đường Lạc Long Quân - đi vào ngõ 612 Lạc Long Quân - đi vào lòng mương tiêu cạnh Công viên nước Hồ Tây; tận dụng tuyến mương tiêu để làm bể lắng cát thô và xây dựng bể lắng cát tinh trong hồ cạnh Công viên trước khi đưa nước vào hồ Tây.
Nước hồ Tây xả qua các cửa điều tiết A và B để pha loãng, cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch. Dự án dự kiến sử dụng 4 máy bơm công suất 2.500 m3/giờ, trong đó 3 máy chạy thường xuyên, 1 máy dự phòng.
Theo ông Võ Tiến Hùng, mục tiêu của dự án nhằm chủ động duy trì ổn định cao độ mực nước hồ, cải thiện chất lượng nước hồ Tây, tạo sự phát triển cho các loại thủy sản, thủy sinh sống trong hồ; tạo cảnh quan đô thị, môi trường sinh thái.
Các nhà khoa học đánh giá dự án có tính thiết thực cao, tiết kiệm chi phí, đạt mục tiêu bổ cập nước cho hồ Tây trong mùa khô đồng thời pha loãng, tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch. Hội thảo cũng ghi nhận nhiều phân tích và đề xuất góp ý cho dự án.
Theo ông Phạm Văn Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Xây dựng thành phố Hà Nội, phương án nói trên là việc làm cần thiết và cấp bách để cải thiện chất lượng nước hồ Tây và sông Tô Lịch, phù hợp với quy hoạch thoát nước và xử lý nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Quy hoạch thoát nước và xử lý nước thải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ông Phạm Văn Cường đề xuất, hồ lắng cần tính toán diện tích phù hợp và đặt ngoài đê gần sông Hồng và trạm bơm để việc quản lý nạo vét cặn lắng được thuận tiện và giải phóng mặt bằng đỡ tốn kém; cần kiểm tra chất lượng hồ Tây, sông Tô Lịch và hồ lắng ngoài sông Hồng trong quá trình vận hành, để bảo đảm kiểm soát chất lượng nước.
Chủ tịch Hội Quy hoạch - Phát triển đô thị Hà Nội Tô Anh Tuấn lưu ý: "Cần gắn việc bổ cập nước cho hồ Tây với xử lý ô nhiễm, làm sạch các nguồn nước thải đang làm ô nhiễm các sông hồ. Việc bổ cập nước cần được tiến hành song song với các biện pháp khác như nạo vét, gây dựng hệ động thực vật thủy sinh phù hợp. Bên cạnh đó cần nghiên cứu, đánh giá tác động của nguồn nước mới với môi trường sinh thái, hệ thủy sinh trong hồ".
Ghi nhận các ý kiến, hội thảo đã thống nhất mục tiêu, nguyên tắc chung của phương án, đồng thời đề nghị Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội hoàn thiện các nội dung được góp ý để nâng cao chất lượng dự án, trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt triển khai, áp dụng.