(HNM) - Chăm sóc động vật hoang dã là công việc không hề đơn giản, vừa vất vả vừa hiểm nguy, đòi hỏi mỗi cán bộ, công nhân viên của Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội phải có năng lực và chuyên môn nghiệp vụ tốt, đồng thời, không quản ngại khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ đưa sự sống của các loài vật về với thiên nhiên.
Nghề nguy hiểm
Những người làm nghề chăm sóc động vật hoang dã luôn đối diện với nguy cơ bị các con thú tấn công, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng... Đây là nghề nguy hiểm, vất vả song với nhiệt huyết và say mê với công việc, tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội vẫn gắn bó, chăm sóc và yêu thương những con vật như chăm sóc bạn thân.
Ông Phạm Thế Vinh - nhân viên chăm sóc khu chuồng hổ của trung tâm cho biết, hổ là loài động vật hung dữ, chỉ cần lạ hơi người, những con hổ sẽ gầm gừ, nhảy xổ lên cửa chuồng tấn công. Chỉ những người gan dạ, có kinh nghiệm và kiến thức chăm sóc thú dữ mới dám tiếp xúc. Mọi động tác như dồn các con thú vào cũi nhốt, dùng dụng cụ tiêm thuốc phải thao tác thật nhanh và luôn có người giữ cũi an toàn, chắc chắn. Dù nguy hiểm nhưng vì tình yêu với động vật hoang dã, tập thể trung tâm vẫn cố gắng tạo cơ hội để động vật hoang dã khỏe mạnh, tái hòa nhập thiên nhiên...
Bà Lương Thị Ngà, nhân viên ở trung tâm cho hay: Mỗi nhân viên ở đây đều có công việc riêng, tưởng chừng không quá nặng nề, nhưng khi bắt tay vào việc mới thấy không đơn giản. Bởi lẽ, thức ăn của các loài thường khác nhau, có loài ăn tạp, có loài khá kén mồi nên việc tìm và đặt mua thức ăn cho chúng không dễ dàng. Đặc biệt, những con vật nuôi dù ít nhiều đã được thuần hóa nhưng vẫn chưa thể quên bản năng hoang dã, vì vậy, mọi công việc chăm sóc ở đây đều phải rất tỉ mỉ và hiểu sở thích, tính nết từng loài động vật để có biện pháp chăm sóc hợp lý...
Nói về công tác cứu hộ động vật hoang dã, Phó Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Nguyễn Đức Minh cho biết: Chưa năm nào công tác cứu hộ lại nhiều như năm nay. Trong 8 tháng năm 2019, trung tâm đã tiếp cận 47 vụ với 503 cá thể động vật hoang dã. Đến nay, số động vật hoang dã đang cứu hộ, bảo tồn tại trung tâm là 530 cá thể và 37,2kg rắn các loại. Mặc dù công việc chăm sóc động vật rất vất vả và nguy hiểm, nhưng nhờ lòng yêu nghề, nhân viên, cán bộ của trung tâm cùng cố gắng.
Đặc biệt, việc chăm sóc phải rất cẩn thận từng loài. Chẳng hạn, rùa sẽ chết khi nhiệt độ trên 30 độ C, để bảo đảm sự sống cho chúng, trung tâm phải lắp điều hòa. Ngoài ra, chúng không quen sống chung, cán bộ trung tâm phải nhốt từng con riêng lẻ nên công tác chăm sóc càng vất vả hơn. Tuy nhiên, không vì thế nhân viên nản lòng mà việc chăm sóc, bảo tồn đều được giám sát, thực hiện chặt chẽ để chúng vừa khỏe mạnh, vừa không quên bản năng, dễ thích nghi khi được trả về môi trường tự nhiên… Thời gian qua, trung tâm đã thuần dưỡng, nhân giống thành công nhiều loài thú quý (hổ, gấu đen...) và nhiều loài chim quý.
Còn nhiều khó khăn
Với đặc thù nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị là cứu hộ đa loài, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, bố trí chuồng trại và phân công nhân lực theo hướng chuyên môn hóa còn không ít trở ngại. Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Lương Xuân Hồng cho biết: Công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, bố trí chuồng trại và phân công nhân lực theo hướng chuyên môn hóa gặp nhiều khó khăn do số lượng động vật hoang dã thường xuyên quá tải, diện tích chuồng trại chật hẹp, không đủ điều kiện phục hồi tập tính sinh học của động vật hoang dã trước khi tái thả về môi trường tự nhiên. Trong khi đó, dự án mở rộng trung tâm chưa được triển khai nên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng công tác cứu hộ các loài động vật hoang dã. Hơn nữa, động vật hoang dã đưa đến trung tâm phần lớn được các cơ quan chức năng bắt giữ, tịch thu trên đường vận chuyển đi tiêu thụ, trong đó, lượng lớn bị thương, bị yếu do nuôi nhốt, vận chuyển dài ngày... nên quá trình cứu hộ, chăm sóc, nuôi dưỡng rất gian nan…
Để khắc phục, trung tâm đề nghị Sở NN&PTNT tham mưu UBND thành phố cấp kinh phí triển khai dự án mở rộng trung tâm lên 13ha (đã được phê duyệt) nhằm bảo đảm yêu cầu công tác cứu hộ, bảo tồn, nhân nuôi sinh sản động vật hoang dã. Ngoài ra, trung tâm tiếp tục tăng cường hợp tác với các tổ chức cứu hộ động vật hoang dã trong nước và quốc tế để trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao năng lực công tác cùng kiến thức chuyên môn; thực hiện nghiêm túc công tác vệ sinh, phòng, trị dịch bệnh trong quá trình cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã và thả, chuyển giao cung cấp động vật hoang dã các thế hệ sau (F2). Trung tâm tiếp tục nhân nuôi sinh sản một số loài động vật quý, hiếm, tiến tới trình cấp có thẩm quyền cho chuyển giao, cung cấp động vật hoang dã các thế hệ sau (F2)...
Bên cạnh đó, trung tâm chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan nhằm thúc đẩy giải quyết các vụ liên quan đến động vật hoang dã với phương châm bảo đảm chất lượng công tác cứu hộ. “Trung tâm luôn xác định động vật hoang dã là nhiệm vụ chính. Qua đó, có giải pháp đổi mới, sáng tạo phương pháp làm việc, phục vụ tốt hơn nữa việc cứu hộ động vật hoang dã theo chức năng nhiệm vụ đã được Sở NN&PTNT và UBND thành phố Hà Nội giao” - Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Lương Xuân Hồng khẳng định.