Chuyển đổi hành vi tiêu dùng để giảm thiểu rác thải nhựa

01/07/2025 11:25

MTNN Trước thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa đang ngày càng nghiêm trọng, việc chuyển đổi hành vi tiêu dùng, chuyển sang sử dụng các sản phẩm có xu hướng “xanh”, là một trong những phương pháp hiệu quả để giảm thiểu rác thải nhựa tại Việt Nam.

Chuyển đổi hành vi tiêu dùng đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa hiện nay. Khi người dân dần từ bỏ thói quen sử dụng túi nylon, ống hút nhựa và các sản phẩm nhựa dùng một lần, thay vào đó là các vật dụng thân thiện với môi trường như túi vải, chai thủy tinh, hộp đựng tái sử dụng…, lượng rác thải nhựa sẽ giảm đáng kể.

Sự thay đổi này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường sống mà còn thể hiện trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc xây dựng lối sống xanh, bền vững vì sức khỏe cộng đồng. Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, được xem là một đất nước gây ô nhiễm nhựa lớn. Phần lớn trong số hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường mỗi năm là túi ni lông, hộp xốp, ly nhựa…

Ước tính, trung bình mỗi hộ gia đình ở Việt Nam sử dụng khoảng 1 kg túi ni lông mỗi tháng. Hơn 80% trong số đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần. Mặc dù việc tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nhận thức và hành vi trong việc sử dụng sản phẩm nhựa được đẩy mạnh từ nhiều năm nay, song hiện đa số người dân vẫn giữ thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt, tiêu dùng. Túi ni lông có mặt khắp nơi trong đời sống, từ thành thị tới thôn quê, từ các lĩnh vực tiêu dùng cao cấp tới bình dân.

Người dân vẫn còn thói quen sử dụng túi ni lông khi đi chợ truyền thống. (Ảnh: HK). 

Tại các chợ truyền thống, chợ dân sinh, túi ni lông được dùng rất phổ biến dù món hàng chỉ có giá vài ngàn đồng, thậm chí người bán còn cho túi miễn phí. Trong lĩnh vực kinh doanh ăn uống, hầu hết các loại thức ăn, đồ uống bán mang đi đều được đóng gói, đựng trong hộp xốp, ly nhựa, túi nhựa để dễ vận chuyển. Chỉ số ít cửa hàng dùng túi giấy, hộp giấy, ly giấy, ống hút hữu cơ.

Mặt khác, các vật liệu thay thế nhựa, bao bì thân thiện với môi trường hiện vẫn có chi phí sản xuất cao hơn túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần. Vì vậy, chúng chưa được dùng phổ biến rộng rãi, khiến việc hạn chế rác thải nhựa gặp nhiều khó khăn.

Hiện chỉ khoảng 27% rác thải nhựa được tái chế, số còn lại bị chôn lấp hoặc đốt bỏ, gây lãng phí tài nguyên và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Ô nhiễm nhựa đã trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với phát triển bền vững của các địa phương và quốc gia. Hệ lụy đầu tiên từ hàng triệu tấn rác thải nhựa đem đến là gây tắc nghẽn hệ thống thoát nước, ô nhiễm đất và nguồn nước, đặc biệt là việc góp phần gây ngập tại các đô thị lớn.

Theo thống kê, riêng hai thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi ni lông. Nhiều tuyến sông, kênh, rạch và hệ thống cống thoát nước của hai thành phố này đang ngày đêm oằn mình hứng rác thải.

Không chỉ những thành phố lớn, các điểm du lịch nổi tiếng cũng đang bị ảnh hưởng bởi nạn "ô nhiễm trắng". Sự phát triển của du lịch đem đến thách thức không nhỏ cho các "đảo ngọc" như Phú Quốc (Kiên Giang), Phú Quý (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) trong vấn đề xử lý rác thải; trong đó, rác thải nhựa chiếm phần lớn.

Thời gian qua, chính quyền các huyện đảo đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế rác thải, nhất là chất thải nhựa trong hoạt động du lịch, như tuyên truyền đến chủ tàu, du khách không đưa chai nhựa, túi ni lông, hộp xốp và các sản phẩm nhựa dùng một lần ra đảo;

Bên cạnh đó, vận động tiểu thương, hộ kinh doanh trên đảo giảm thiểu rác thải nhựa trong kinh doanh, thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường, nhưng với lượng khách du lịch ngày càng tăng, lượng rác thải phát sinh ngày càng nhiều, xử lý "ô nhiễm trắng" vẫn là một thách thức lớn, vượt tầm các địa phương này.

Rác thải nhựa gây ảnh hưởng tới môi trường tại Vườn quốc gia Côn Đảo. (Ảnh: Lâm Điền). 

Theo các chuyên gia, tính tiện ích của sản phẩm nhựa là điều cần ghi nhận. Nhìn ở mặt tích cực, sản phẩm nhựa đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực đời sống, xã hội như chế biến thức ăn, thực phẩm ăn liền, y tế, phòng dịch, thiện nguyện…, giúp đảm bảo vệ sinh, hình thức, bảo quản, vận chuyển sản phẩm, hạn chế lây nhiễm.

Trước thực tế trên Tháng hành động vì môi trường năm 2025 được Bộ Nông nghiệp và Môi trường triển khai với chủ đề "Chống ô nhiễm nhựa". Đây không chỉ là lời kêu gọi mà còn là cảnh báo cấp bách toàn cầu, đòi hỏi cộng đồng hành động quyết liệt hơn. Vai trò, trách nhiệm của mỗi người dân, hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp, người tiêu dùng, du khách... càng có ý nghĩa quan trọng trong việc thay đổi hành vi với sản phẩm nhựa, rác thải nhựa.

Đáng chú ý, theo Luật Bảo vệ Môi trường, từ năm 2025, người dân sẽ phải trả phí thu gom rác thải sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích. Thành phố Hồ Chí Minh chính thức áp dụng mức giá mới thống nhất cho dịch vụ thu gom, vận chuyển rác từ ngày 1/6/2025. Cách làm này được nhận định không chỉ minh bạch, công bằng mà còn khuyến khích người dân thay đổi hành vi, thúc đẩy phân loại rác và giảm phát sinh rác tại nguồn.

Với nhận định rác thải nhựa làm giảm sức hấp dẫn của điểm đến, đe dọa môi sinh, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã và đang kêu gọi nhân rộng du lịch không rác thải nhựa. Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) là một trong những địa phương tham gia Mạng lưới đô thị giảm nhựa - một sáng kiến toàn cầu của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) - hướng tới không còn rác thải nhựa trong thiên nhiên.

Lãnh đạo UBND huyện Côn Đảo, cho biết: Huyện đặt mục tiêu giảm rác thải nhựa, hướng tới hết năm 2025 trên địa bàn huyện không còn buôn bán, sử dụng nhựa và ni lông dùng một lần; chuyển dần sang những sản phẩm thay thế cũng như nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường, xử lý rác thải trên địa bàn; đến năm 2030 trở thành điểm đến không rác thải nhựa.

Giảm thiểu rác thải nhựa là một trong những hành động cấp thiết để bảo vệ môi trường và sức khỏe con người. Thói quen sử dụng nhựa tiện lợi trong thời gian dài đã tạo nên áp lực nặng nề lên hệ sinh thái, gây ô nhiễm đất, nước và không khí.

Để giải quyết vấn đề này một cách bền vững, việc thay đổi hành vi tiêu dùng đóng vai trò trọng tâm. Từng hành động nhỏ như mang theo túi vải khi đi chợ, sử dụng chai nước cá nhân, ưu tiên sản phẩm thân thiện với môi trường… đều góp phần giảm lượng nhựa thải ra môi trường mỗi ngày.

Cùng với đó, sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp và chính quyền trong các chiến dịch tuyên truyền, thay đổi chính sách và thúc đẩy tiêu dùng xanh sẽ tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ. Giảm nhựa hôm nay chính là bảo vệ sự sống cho tương lai.

 

 

Vũ Ánh

Nguồn thiennhienmoitruong.vn
Link bài gốc

https://thiennhienmoitruong.vn/chuyen-doi-hanh-vi-tieu-dung-de-giam-thieu-rac-thai-nhua.html

;
Bình luận
Họ tên :
Email :
Lời bình :
RadEditor - HTML WYSIWYG Editor. MS Word-like content editing experience thanks to a rich set of formatting tools, dropdowns, dialogs, system modules and built-in spell-check.
RadEditor's components - toolbar, content area, modes and modules
   
Toolbar's wrapper 
 
Content area wrapper
RadEditor's bottom area: Design, Html and Preview modes, Statistics module and resize handle.
It contains RadEditor's Modes/views (HTML, Design and Preview), Statistics and Resizer
Editor Mode buttonsStatistics moduleEditor resizer
 
 
RadEditor's Modules - special tools used to provide extra information such as Tag Inspector, Real Time HTML Viewer, Tag Properties and other.
   
Mobile
TieuDe
Nhập mã bảo mật :  
Gửi bình luận
     
Mới nhất | Cũ nhất
Không tìm thấy bản ghi nào

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bạn đọc quan tâm

Mới nhất
Xem nhiều nhất
Scroll

Kênh thông tin giới trẻ - gioitrenews.com