(HNM) - Cùng với những tác động của dịch Covid-19, dự báo thời tiết mùa mưa năm nay tiếp tục diễn biến khó lường. Trước thực tế đó, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội - đơn vị chủ lực thực hiện công tác thoát nước của thành phố đã chủ động mục tiêu "kép" là vừa bảo đảm vận hành hệ thống thoát nước, vừa bảo đảm phòng dịch cho người lao động. Với lượng mưa 50-100mm/2 giờ, dự kiến trên địa bàn thành phố Hà Nội có 11 trọng điểm úng ngập.
Không để dịch bệnh ảnh hưởng công việc thoát nước
Những ngày này, việc chuẩn bị kế hoạch thoát nước mùa mưa đang được Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội (Công ty Thoát nước Hà Nội) khẩn trương thực hiện. Tại trọng điểm ngập ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm), Xí nghiệp Thoát nước số 1 đang triển khai thiết bị cơ giới để nạo hút bùn, khơi thông cống thoát nước các tuyến phố: Phan Bội Châu, Lý Thường Kiệt, Lê Duẩn, Trần Hưng Đạo... Anh Nguyễn Đức Hùng, công nhân Tổ duy trì 5 cho biết: Đặc điểm hệ thống thoát nước khu vực là tự chảy qua phố Trần Hưng Đạo - Yết Kiêu, đổ ra hồ Thiền Quang. Việc thi công nhà ga ngầm S12 thuộc tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đã ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước khu vực. Do đó, đơn vị tăng nạo vét bùn đất, bảo đảm dẫn dòng thoát nước.
Trên phố Trần Thánh Tông (quận Hai Bà Trưng), 8 công nhân của Xí nghiệp Thi công cơ giới cũng đang triển khai thiết bị dây chuyền cơ giới khơi thông trục thoát nước. Phó Giám đốc Xí nghiệp Thi công cơ giới Nguyễn Cảnh Dương thông tin: Từ ngày 16-3 đến nay, đơn vị đã nạo, hút hệ thống thoát nước các tuyến phố: Quang Trung (quận Hà Đông), đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Chí Thanh, Thụy Khuê, Trúc Bạch, Phạm Hồng Thái, các tuyến phố cổ, phố cũ, hạ lưu sông Kim Ngưu...
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, công tác thi công được đặt ra với mục tiêu "kép" là vừa bảo đảm thoát nước mùa mưa, vừa an toàn phòng dịch cho người lao động. Ông Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết: Đơn vị đã hạn chế những công việc hoàn toàn bằng thủ công và tăng cường tối đa sử dụng thiết bị máy móc; trang bị khẩu trang, găng tay, ủng, nước sát khuẩn... cho công nhân. Đồng thời, việc điều hành sản xuất cũng chuyển sang chế độ trực tuyến, kiểm tra báo cáo qua hình ảnh, ứng dụng trên mạng xã hội Zalo...
Tham gia nạo vét bùn tại hạ lưu sông Kim Ngưu (đoạn chảy qua xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì), anh Nguyễn Bình Du, công nhân Tổ cơ giới 11 (Xí nghiệp Thi công cơ giới) chia sẻ: Hiện xí nghiệp đã chia 2 ca sản xuất (ngày, đêm). Công nhân được kiểm tra đo thân nhiệt hằng ngày và trang bị đầy đủ thiết bị phòng dịch nên rất yên tâm làm việc.
Sẵn sàng đón mùa mưa
Chia sẻ về việc chuẩn bị công tác thoát nước mùa mưa năm nay, bà Nguyễn Việt Hương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết: Nếu những năm trước, ngay sau Tết Nguyên đán đơn vị đã bắt tay chuẩn bị cho việc thoát nước mùa mưa, thì năm nay nhiều việc triển khai muộn, do đến tháng 3-2020 mới có kết quả đấu thầu quản lý, duy trì, vận hành hệ thống thoát nước.
Ngày 15-4 là thời điểm bắt đầu vào mùa mưa, vì vậy ngay sau khi trúng thầu, Công ty Thoát nước Hà Nội đồng loạt triển khai nạo vét các trục tuyến thoát nước chính, các khu vực thường xảy ra úng ngập, hệ thống ga thu nước, bảo dưỡng sửa chữa các trạm bơm, đập điều tiết; vớt rác, khơi thông dòng chảy và vệ sinh môi trường các tuyến mương, sông, hồ điều tiết...
Thông tin kết quả thực hiện đến thời điểm này, bà Nguyễn Việt Hương cho biết, toàn bộ mực nước đệm trên hệ thống thoát nước đã được hạ thấp nhằm đề phòng những trận mưa lớn. Toàn bộ các trạm bơm trên hệ thống đã bảo dưỡng, sửa chữa xong. Các trục thoát nước chính, trọng điểm úng ngập đều được nạo vét, hút bùn, bảo đảm dẫn dòng tiêu thoát nước về các hồ, cũng như điều tiết đưa nước về Trạm bơm Yên Sở nhanh nhất khi xảy ra mưa lớn.
Theo Công ty Thoát nước Hà Nội, đến cuối mùa mưa năm 2019, khu vực nội thành Hà Nội còn 15 trọng điểm úng ngập. Sau khi một số dự án cải tạo hệ thống thoát nước hoàn thành, 4 trọng điểm úng ngập trên phố Đội Cấn, Phạm Văn Đồng, Thanh Đàm, Trường Chinh được khắc phục, song cần theo dõi, đánh giá tiếp trong năm 2020.
“Với các trận mưa nhỏ dưới 50mm/2 giờ sẽ không xảy ra úng ngập, cơ bản chỉ tồn tại một vài vị trí ứ đọng nước. Lượng mưa từ 50mm đến 100mm/2 giờ dự kiến tồn tại 11 trọng điểm úng ngập. Với từng điểm, công ty cũng đã có phương án ứng phó” - bà Nguyễn Việt Hương thông tin thêm.
Cụ thể, với các điểm úng ngập: Ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa, phố Nguyễn Khuyến, Cao Bá Quát, Thụy Khuê, đường Minh Khai (đoạn chân cầu Vĩnh Tuy), Vũ Trọng Phụng... do một số dự án thoát nước chưa hoàn thành đầu tư, công ty đã xây dựng kế hoạch ứng trực chi tiết, triển khai lực lượng tại hiện trường khi có mưa. Với điểm úng ngập trên Đại lộ Thăng Long (ngã ba Lê Trọng Tấn, hầm chui số 3, 5, 6, nút giao An Khánh), do chưa được đầu tư hệ thống thoát nước nên công ty đã lên phương án đắp đập bằng bao tải cát, lắp bơm di động; phân công lực lượng ứng trực vớt rác; đồng thời phối hợp vận hành trạm bơm, mương thoát nước của các khu đô thị lân cận.
Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội Võ Tiến Hùng cho biết thêm: Từ ngày 15-4, công ty đã thực hiện vận hành theo cơ chế mùa mưa. Các trạm bơm, đập điều tiết, các trục chính thoát nước, hệ thống hồ điều hòa và máy móc thiết bị, nhân lực đã sẵn sàng cho công tác thoát nước trên địa bàn Hà Nội.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố mới đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thoát nước nội thành thuộc lưu vực các sông: Tô Lịch, Lừ, Kim Ngưu, Sét, với diện tích 77,5km2, đáp ứng tiêu thoát những trận mưa có cường độ 300mm/2 ngày. Ở các khu vực khác, hệ thống thoát nước chưa được đầu tư xây dựng nên còn tình trạng úng ngập cục bộ khi mưa lớn.