(HNM) - VOC (Volatile Organic Compounds) là chất hữu cơ dễ bay hơi, thường dùng để chỉ hỗn hợp các chất hữu cơ độc hại bay trong không khí xuất phát từ các sản phẩm do con người chế tạo, chẳng hạn như các dung môi hóa chất trong ngành công nghiệp gia dụng như sản xuất quần áo, giày dép. Một số VOC được sử dụng trong keo dính, sơn, lớp phủ vải và da, mực in lụa và da tổng hợp.
VOC có thể được sử dụng trong các quy trình như vệ sinh khô. Sản phẩm sơn thường có hàm lượng VOC lớn nhất, có trong hai thành phần chính là dung môi và chất phụ gia của sơn.
VOC có ở hầu hết các loại sơn như sơn dầu, sơn nội thất, ngoại thất, keo hồ, các sản phẩm tẩy rửa, dung môi làm loãng sơn, xăng dầu… Khi bị cháy chúng sẽ bay hơi và có khả năng kết hợp với chất hữu cơ vô hại khác hoặc các thành phần phân tử có trong không khí tạo ra những hợp chất mới làm ô nhiễm môi trường, gây hiệu ứng nhà kính, ảnh hưởng cho sức khỏe con người. Lượng VOC bên trong nhà có thể cao hơn 10 lần so với bên ngoài và có thể tăng cao đến hơn 1.000 lần sau khi sơn một lớp sơn mới lên tường.
Để tránh tiếp xúc với VOC, nên hạn chế sử dụng sản phẩm tiết ra nhiều VOC hơn các sản phẩm khác; không tiếp xúc với khói thuốc lá. Tránh sử dụng ngay đồ đạc mới được sơn, nhà mới sửa chữa. Nếu không thể làm được như vậy, hãy mở các cửa trong nhà để thông hơi, thoáng khí. Không pha các loại thuốc tẩy rửa hoặc dung môi khác nhau trong nhà ở. Không đem quần áo mới giặt khô vào nhà, nếu vẫn còn mùi ẩm. Khi mang quần áo giặt khô về, hãy lấy ra khỏi túi ni lông và treo chỗ thoáng khí một thời gian trước khi sử dụng.