Dù vậy, những vấn đề bất cập, khó khăn liên quan đến vốn đầu tư, cơ chế, chính sách… đang khiến việc tìm lời giải cho bài toán xử lý rác trở lên nan giải.
Công nghệ cũ, lạc hậu
Báo cáo về công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất trên địa bàn TPHCM vào đầu tháng 8/2024, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TPHCM cho biết, hiện nay mỗi ngày đô thị này phát sinh khoảng 9.700 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Tất cả đều được thu gom, vận chuyển về các nhà máy xử lý tập trung của thành phố. Về công nghệ xử lý rác, bà Mỹ cho biết, chất thải rắn sinh hoạt sẽ được xử lý bằng công nghệ đốt, sản xuất phân compost, tái chế chiếm tỷ lệ 35%, còn lại 67% sẽ được chôn lấp hợp vệ sinh. Ngoài công nghệ đốt, TPHCM cũng đẩy mạnh thực hiện các dự án chuyển đổi công nghệ mới tại các nhà máy xử lý chất thải hiện hữu; đồng thời kêu gọi đầu tư các dự án mới theo hướng ưu tiên xử lý bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế đạt ít nhất 80% (năm 2025) và đến năm 2030 sẽ 100% xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện.
Trong giai đoạn trước mắt, TPHCM tiếp tục kiến nghị Bộ TNMT hỗ trợ, tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương về việc ưu tiên tăng quy mô nguồn điện rác của thành phố từ 123MW hiện nay lên tối thiểu 240MW nhằm phù hợp với hiện trạng triển khai các dự án nhà máy xử lý rác theo công nghệ đốt phát điện của TPHCM theo lộ trình đã vạch ra. Mới đây nhất, TPHCM đã cho khởi công xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa (giai đoạn 1) tại huyện Củ Chi, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025 với công suất đốt rác đạt 2.000 – 2.600 tấn/ngày, công suất phát điện đạt 60MW/ngày. Theo ông Bùi Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND TPHCM, sau hơn 20 năm, các đơn vị xử lý rác thải thuộc các Khu liên hợp xử lý chất thải của TPHCM đã tiếp nhận, xử lý khoảng hơn 30 triệu tấn rác bằng các phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh, xử lý thành phân compost, tái chế nhựa, góp phần rất lớn trong công tác xử lý rác thải của thành phố. Dù vậy, trước thực trạng rác thải ngày càng gia tăng và những vấn đề về môi trường, đặt ra bài toán tìm công nghệ mới tối ưu để xử lý rác thải. Một trong số những công nghệ tiên tiến được TPHCM đặc biệt quan tâm là đốt rác thu hồi năng lượng để phát điện. Với việc khởi công dự án xây dựng nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên ở huyện Củ Chi với công suất xử lý 2.000 tấn/ngày, ông Cường nhấn mạnh, là một trong những dự án của TPHCM được triển khai theo Nghị quyết số 98 và Nghị quyết số 28/2023/NQ – HĐND góp phần giải quyết bài toán đảm bảo vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng xử lý chất thải rắn.
Ngoài nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên vừa được khởi công ở huyện Củ Chi, Sở TNMT TPHCM cũng tham mưu UBND TPHCM quy hoạch định hướng đầu tư 5 khu xử lý chất thải rắn.
Ưu tiên phân loại rác tại nguồn
Ngoài đổi mới công nghệ xử lý rác, Phó Giám đốc Sở TNMT TPHCM cho rằng, việc phân loại rác tại nguồn hiệu quả sẽ giúp cải thiện các bất cập, khó khăn trong công tác xử lý rác đô thị hiện nay của TPHCM. Theo bà Mỹ, hiện nay thành phố đang thực hiện phân loại 2 nhóm, gồm: chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại. Đồng thời, TPHCM cũng đang xây dựng và hoàn thiện nội dung Đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn, chia thành 3 nhóm, gồm: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác.
Với việc thực hiện song song lộ trình đổi mới công nghệ xử lý rác và hoàn thiện, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại và tái chế đạt ít nhất 80%. Để đẩy nhanh lộ trình, TPHCM cũng kiến nghị Bộ TNMT phối hợp với Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định mẫu các phương tiện thu gom chất thải rắn sinh hoạt đạt chuẩn, bao gồm các phương tiện phù hợp cho việc thu gom các hẻm phố, ngõ sâu, dài của TPHCM hiện nay. Giống như nhiều “siêu đô thị” đông dân, TPHCM đang phải chịu sức ép rất lớn đối với quản lý, thu gom, xử lý rác thải đô thị nói chung và rác thải rắn sinh hoạt nói riêng. Do đó, việc tìm kiếm các giải pháp xử lý rác hiện đại, cụ thể là công nghệ đốt rác phát điện là xu hướng tất yếu. Về dài hạn, TPHCM đã định hướng đầu tư 5 khu xử lý chất thải rắn, tuy nhiên tiến độ còn chậm, vì đến nay mới chỉ có 2/5 dự án xử lý rác hiện đại được duyệt chủ trương đầu tư.
Nhiều nhà máy xử lý rác đã tồn tại lâu năm đang sử dụng công nghệ cũ là một vấn đề đối với TPHCM. Bài học “nhãn tiền” là các cơ sở xử lý rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (huyện Bình Chánh) đã gây mùi hôi thối, ô nhiễm không khí và ảnh hưởng đến môi trường sống cho nhiều quận, huyện khu Nam TPHCM. Gần như năm nào cũng vậy, “đến hẹn lại lên”, nơi đây trở thành điểm “nóng” về môi trường khi người dân thành phố liên tục phản ánh mùi hôi phát tán từ bãi chôn lấp rác.
Lê Anh – Báo Đại Đoàn Kết
Theo Đại Đoàn Kết