(HNMO) - Ngày 14-10, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức đã thông tin về tình trạng ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội thời gian qua.
Theo ông Hoàng Văn Thức, so sánh từ 2013 đến nay, ô nhiễm không khí tại các đô thị ở Việt Nam có xu hướng giảm, tuy nhiên, trong từng thời điểm có tăng/giảm nhất định. Năm 2019, ô nhiễm không khí tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có khác thường so với các năm trước, ô nhiễm cục bộ tăng lên.
Theo phân tích của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội do: Phát thải từ hoạt động giao thông, phát triển bùng nổ về xây dựng, thói quen sử dụng than tổ ong... Đặc biệt, trong tháng 9-2019, ô nhiễm không khí, bụi mịn PM2.5 tăng cao còn do ít mưa nhất trong vòng 6 năm qua. Trong tháng 9-2019, xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, bụi lơ lửng, không thoát được lên cao (trong điều kiện bình thường, không khí thoát lên cao để phát thải). Bên cạnh đó, thời điểm này vào vụ thu hoạch lúa, tình trạng đốt rơm rạ đã ảnh hưởng đến không khí nội đô.
Về thông tin liên quan đến chất lượng không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết: Mạng lưới quan trắc không khí hiện nay có hai loại trạm, chính xác nhất là các thông số đo từ các trạm quan trắc cố định; các trạm quan trắc cảm biến có độ chính xác kém hơn…
Ngoài ra, tuỳ theo vị trí đặt trạm khác nhau sẽ cho kết quả chỉ số không khí khác nhau. Điểm nào ùn tắc giao thông, mật độ công trình xây dựng cao thì có chỉ số không khí cao hơn nơi khác. Do đó, để đánh giá chất lượng không khí trên địa bàn của thành phố cần căn cứ vào mật độ các trạm đo để có đánh giá toàn diện.
Vừa qua, một số tổ chức cung cấp thông tin về chất lượng không khí trên địa bàn Hà Nội, tuy nhiên, các tổ chức này chỉ sử dụng số liệu thu thập từ một vài trạm quan trắc nên không đủ điều kiện đại diện cho toàn thành phố.
“Hiện UBND thành phố Hà Nội có 10 trạm quan trắc không khí, kết quả được công bố công khai tại cổng thông tin điện tử của UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Đây là nguồn chính thống, người dân nên tham khảo thông tin từ các nguồn chính thức để có biện pháp phòng tránh phù hợp”, ông Thức chia sẻ.
Về giải pháp nhằm kiểm soát chất lượng không khí, ông Hoàng Văn Thức cho biết: Chính phủ rất quan tâm đến việc này, đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện nhiều giải pháp. Năm 2016, Chính phủ đã có kế hoạch hành động quốc gia và nhiều giải pháp tổng thể, giao cho các bộ, các địa phương lên kế hoạch kiểm soát chất lượng không khí. “Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao làm đầu mối. Cuối năm nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có báo cáo đánh giá tổng thể về việc này”, ông Thức nói.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ thiết kế các trạm quan trắc không khí xương sống ở các địa phương, kết nối với các trạm quan trắc do các địa phương đầu tư... để đưa ra dữ liệu cảnh báo tới người dân. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nghiên cứu và sẽ giao cho các đơn vị trực thuộc Bộ đánh giá chất lượng không khí theo giờ và người dân có thể truy cập bằng điện thoại thông minh để tham khảo.