(HNM) - Ngay sau Tết Nguyên đán 2020, tình hình xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra gay gắt tại các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất của người dân. Chính quyền các địa phương đang gồng mình thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tác hại của hạn mặn, được dự báo là rất khốc liệt trong mùa khô năm nay.
Từ nhiều ngày qua, người dân tỉnh Bến Tre đã tìm mọi cách để trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Ông Nguyễn Văn Thành, chủ vườn cây giống ở xã Long Thới, huyện Chợ Lách cho hay, gia đình đã trang bị 7 thùng trữ nước ngọt, với tổng dung tích 28m3. Tại khu vực này, đã có gia đình khoan giếng sâu tới 500m nhưng khi lấy nước lên kiểm tra độ mặn, độ phèn thì vẫn không đạt yêu cầu nên không thể tưới cho cây giống được. Còn tại huyện Châu Thành, hơn một tháng nay, gia đình ông Nguyễn Văn Dợt, ở xã Tân Phú đã phải mua túi ni lông về chứa nước ngọt và đóng các cống để nước mặn không xâm nhập vào mương vườn.
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, trên sông Cửa Đại, xâm nhập mặn sâu nhất xuất hiện trong các ngày 7 đến 11-2 ở mức sâu hơn so với tuần qua và sâu hơn năm 2016 (năm hạn mặn lịch sử). Độ mặn 4% trên các sông chính xâm nhập cách các cửa sông 48-73km. Ngành chức năng khuyến cáo người dân tiết kiệm nước tưới, nước sinh hoạt và kiểm soát chặt chẽ nguồn nước trước khi tưới cho cây trồng.
Ngay sau Tết Canh Tý 2020, tàu 935 của Lữ đoàn 125 Vùng 2 Hải quân tiếp tục các đợt vận chuyển nước ngọt từ thành phố Hồ Chí Minh, cung cấp cho các hộ dân ở các xã thuộc huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre), đang phải đối mặt với hạn mặn, thiếu nước ngọt sinh hoạt từ trước Tết. Mỗi chuyến tàu như thế sẽ mất 1 ngày hải trình để đưa 250m3 nước ngọt đến với bà con. Đại tá Đỗ Văn Yên, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục cung cấp nước, giúp đỡ nhân dân vùng nhiễm mặn của tỉnh Bến Tre có nước ngọt sinh hoạt.
Theo ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, tỉnh đã sắp hoàn thành tiến độ xây dựng công trình đập tạm ngăn mặn trên sông Ba Lai, đoạn thuộc địa phận huyện Châu Thành, được khởi công ngày 18-1. Công trình là giải pháp tạo nguồn nước ngọt trên sông Ba Lai, tạo tuyến kênh khép kín có có khả năng chứa khoảng 5 tỷ mét khối nước để phục vụ dân sinh.
Còn tại tỉnh Tiền Giang, vùng dự án ngọt hóa Gò Công có tổng diện tích tự nhiên 54.000ha, diện tích sản xuất 42.000ha, trong đó có khoảng 25.000ha trồng lúa. Theo dự báo của cơ quan chức năng, trong mùa khô 2020, tổng lượng nước từ thượng nguồn sông Mê Kông về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thiếu hụt nhiều so với mùa khô lịch sử năm 2016 nên tình trạng hạn, mặn xâm nhập trên địa bàn tỉnh Tiền Giang sẽ nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Văn Bé Hai, khu phố 2, phường 4, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết, gia đình đã rất vất vả và tốn nhiều công sức tiền bạc để đắp đê bao ngăn mặn, bảo vệ cho vườn cây trái của mình từ trước Tết. Tại các khu vực khác không được thuận lợi như thị xã Cai Lậy, 100% số hộ dân đã trang bị lu chứa 2-3m3 nước ngọt, phục vụ sinh hoạt cho các tháng mùa khô.
Để khẩn trương khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của hạn mặn, sáng 8-2, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng đã phát lệnh đóng đập thép trên kênh Nguyễn Tất Thành. Theo ông Lê Văn Hưởng, hạn mặn năm nay vô cùng gay gắt và diễn biến phức tạp. Tỉnh Tiền Giang quyết định đắp đập thép trên kênh Nguyễn Tấn Thành nhằm ngăn mặn, trữ ngọt, trước mắt tạo nguồn nước ngọt dự trữ để Nhà máy nước BOO Đồng Tâm sử dụng khi hạn mặn tăng cao, phục vụ người dân.