2 đối tượng chặt phá hơn 3.000 m2 rừng tại Vườn Quốc gia Phú Quốc
Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – Công an tỉnh Kiên Giang cho biết vừa tạm giữ hai đối tượng cùng tang vật để làm rõ hành vi chặt phá rừng trái phép tại Vườn Quốc gia Phú Quốc, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Chiều 1-7, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Kiên Giang và Hạt Kiểm lâm rừng quốc gia Phú Quốc đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ 2 đối tượng phá hơn 3.000 m2 rừng đặc dụng ở Vườn Quốc gia Phú Quốc thuộc tổ 12, ấp Cây Thông Trong, xã Cửa Dương.
Hai đối tượng chặt phá rừng bị bắt quả tang (Ảnh: Người lao động)
-> 5 khu rừng nguyên sơ cổ kính nhất hành tinh tuổi đời lên đến hàng chục triệu năm
Vào khoảng 7h30 ngày 30.6, tại tiểu khu 98 thuộc phân khu phục hồi sinh thái rừng đặc dụng Vườn quốc gia Phú Quốc (xã Cửa Dương, H.Phú Quốc), lực lượng chức năng bắt quả tang Trần Văn Lành (30 tuổi, quê An Giang) và Nguyễn Thành Phương (39 tuổi ngụ H.Phú Quốc) đang chặt phá cây rừng trái phép.
Qua kiểm tra lực lượng chức năng đã phát hiện có 3.149.5 m2 rừng bị chặt phá. Tang vật thu được gồm 3 xe máy, 3 cây rựa, 121 cây rừng bị chặt phá gồm: làu táu, xương cá, tràm, viết, dền…
Khai nhận với cơ quan chức năng 2 đối tượng này cho biết họ được một người thuê chặt với tiền công là 500.000 đồng/ngày.
Vụ việc hiện đang tiếp tục được điều tra làm rõ.
Theo thông tin trên Wikipedia, vườn quốc gia Phú Quốc bao gồm địa phận khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc đảo, khu vực núi Hàm Rồng, Gành Dầu và Cửa Cạn. Vườn có ranh giới hành chính thuộc các xã: Gành Dầu, Bãi Thơm, Cửa Cạn và một phần các xã Cửa Dương, Hàm Ninh, Dương Tơ, và thị trấn Dương Đông thuộc huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Tổng diện tích của vườn quốc gia là 31.422 ha.
Nơi đây có chức năng bảo tồn hệ sinh thái rừng nhiệt đới hải đảo, nguồn gen động, thực vật rừng quý hiếm và có giá trị, các sinh cảnh rừng tự nhiên độc đáo của rừng trên đảo.
Đồng thời duy trì và phát triển độ che phủ của thảm thực vật rừng để đảm bảo chức năng phòng hộ rừng đầu nguồn, cung cấp nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt của nhân dân, phát triển bền vững kinh tế, xã hội của huyện đảo Phú Quốc.
Thảm thực vật nơi đây là rừng thường xanh trên địa hình đồi núi thấp. Vườn quốc gia Phú Quốc có đến 12.794 ha rừng, trên các đai cao rừng còn giàu, tuy vậy ở các đai thấp rừng bị suy thoái nhiều, với ưu thế ở đây là các cây họ Đậu (Fabaceae). Đến nay đã ghi nhận được 929 loài thực vật trên đảo. Cũng có một vài ghi nhận cho rằng ở Phú Quốc trước đây có loài vượn Pillê sinh sống.
Phần biển Phú Quốc rất phong phú và đa dạng, các rặng san hô bắt gặp ở quanh các đảo nằm ở phía nam. Các rặng san hô này chiếm đến 41% diện tích. Khu hệ cá trong các rặng san hô rất phong phú, các loài họ Cá mú (Serranidae) và họ Cá bướm (Chaetodontidae) và nhiều loài có giá trị kinh tế khác. Đã thống kê được 89 loài san hô cứng, 19 loài san hô mềm, 125 loài cá ở rặng san hô, 132 loài thân mềm, 32 loài da gai và 62 loài rong biển...
Video: Bãi rác chất cao trong lòng "đảo ngọc" Phú Quốc (Nguồn: VTC)