Vào ngày 31-10, tức dịp Halloween năm nay, "trăng xanh" sẽ xuất hiện trên bầu trời đêm.
"Trăng xanh" là hiện tượng trăng tròn lần thứ hai trong một tháng dương lịch. Trước đó, lần trăng tròn đầu tiên diễn ra từ ngày 1-10 đến 3-10.
"Trăng xanh" xuất hiện vào đêm Halloween là sự kiện hiếm hoi kể từ sau Thế chiến thứ hai. Theo ước tính, cảnh tượng này xảy ra trung bình 2,5 năm một lần, nhưng phải mất đến 19 năm để có thể trùng khớp với Halloween.
Hình ảnh trăng tròn được dùng để trang trí vào mỗi dịp lễ Halloween đã khiến chúng ta lầm tưởng điều này là sự thật. “Đa số các học sinh của tôi đều nghĩ rằng, trăng tròn thường diễn ra vào mỗi dịp Halloween”, Jeffrey Hunt, giáo viên thiên văn học nói.
Nhưng trên thực tế, lần trăng tròn cuối cùng rơi vào Halloween mà được cả thế giới nhìn thấy là vào năm 1944. Hơn 10 năm sau, tức 1955, trăng tròn Halloween một lần nữa xuất hiện ở nhiều khu vực nhưng không bao gồm Tây Bắc Mỹ và Tây Thái Bình Dương.
Người dân trên khắp châu Mỹ, châu Phi, toàn bộ châu Âu và phần lớn châu Á có thể nhìn thấy hiện tượng này.
Trong khi tại Australia, người dân ở phía tây mới có thể nhìn thấy "trăng xanh", miền trung và miền đông nước này thì không. Nếu bỏ qua đợt "trăng xanh" trùng khớp với Halloween năm nay, chúng ta phải đợi đến năm 2039 để được nhìn thấy lần nữa.
Mọi người cũng cần lưu ý rằng, mặc dù có tên gọi là "trăng xanh", nhưng Mặt trăng không bị đổi màu như hiện tượng trăng máu diễn ra khi nguyệt thực toàn phần. Màu sắc của trăng sẽ tùy vào điều kiện thời tiết thích hợp.