Vừa qua, thông tin về 58 bài thi THPT điểm 0 được công bố kết quả thực sau khi phúc khảo tại hội đồng thi tỉnh Tây Ninh, thậm chí có thí sinh được điều chỉnh tăng gần 9 điểm, khiến nhiều người không khỏi băn khoăn về nguyên nhân chính dẫn đến sai sót này.
Kinh nghiệm chấm trắc nghiệm
Chia sẻ về kinh nghiệm chấm thi trắc nghiệm, PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Trong công tác chấm thi trắc nghiệm của kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua, trường đại học Bách khoa Hà Nội được giao chủ trì chấm thi trắc nghiệm tại hội đồng thi tỉnh Thanh Hóa, cũng có một số điểm đáng lưu ý như: Thứ nhất, bảo mật của phần mềm chấm thi tốt hơn. Thứ hai là những phát hiện về lỗi trùng đề thi, số báo danh được rà soát tốt hơn.
Năm nay quét theo phòng thi, có thể phát hiện hiện tượng trùng đề thi trong một phòng thi, tốt hơn so với việc quét bài thi theo điểm như đã thực hiện trong năm trước”.
Ông phân tích một số lỗi xuất hiện trong quá trình chấm: “Năm nay, quy trình chấm thi cũng chặt chẽ hơn nhiều, bảo mật mã hóa được đảm bảo hơn. Ngay ở giai đoạn kết dữ liệu đã phải ghi một đĩa CD0, mất khá nhiều thời gian. Sau bước này, phần mềm cho phép soát lỗi.
Loại lỗi thứ nhất bắt buộc phải sửa, đó là sai số báo danh và mã đề; loại lỗi thứ hai là phần mềm khuyến cáo sửa để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, đó là khi thí sinh tô mờ đáp án hoặc tô nhiều hơn một đáp án trong một câu”.
“Các cán bộ chấm thi sẽ rà soát lại phần lỗi được khuyến cáo, mở phần câu trả lời mà phần mềm chấm thi khoanh vùng lỗi, xem xét bằng cách phóng to hết cỡ câu trả lời để kiểm tra bằng mắt thường. Nếu câu đó thí sinh bỏ trống hoặc tô nhiều đáp án thì cán bộ chấm thi sẽ đóng file lại.
Nếu phát hiện câu đó đúng là do thí sinh tô mờ hoặc tô đáp án mới đậm hơn và có đáp án khác nhưng đã được tẩy đi, thì sẽ chấp nhận sửa lại cho thí sinh. Nếu cán bộ chấm thi không sửa lại thì thí sinh chắc chắn mất điểm ở câu đó, nhưng nếu sửa lại thì thí sinh sẽ được chấm đúng với thực lực của mình hơn.
Trong khi rà soát và sửa lại lỗi cho thí sinh, có sự giám sát tỉ mỉ và bản thân cán bộ chấm thi, sẽ để lại “dấu vết”, là người sửa sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm sau này. Bởi vì mỗi cán bộ chấm thi phải khai báo thông tin và cấp mã từ bộ GD&ĐT, sau khi sửa, sẽ in ra bản thống kê các lỗi đã sửa và nếu có sự cố thì sẽ truy trách nhiệm”, PGS.TS Trần Văn Tớp thông tin thêm.
Theo vị Phó Hiệu trưởng trường đại học Bách khoa Hà Nội, tỉnh Thanh Hóa có khoảng 35.000 thí sinh với hơn 102.000 bài thi trắc nghiệm, ban chấm thi trắc nghiệm đã phải sửa lỗi trong hai ngày để giúp thí sinh không bị “mất điểm oan”.
“Một lưu ý nữa, các cán bộ chấm thi phải làm thật cẩn thận, bởi vì nếu làm không cẩn thận thì có thể bài làm của thí sinh sẽ bị xô lệch, máy sẽ không thể scan được. Phiếu trả lời trắc nghiệm có 4 đinh (4 điểm) và 1 hàng để làm chuẩn. Nếu là tốt hoặc chỉ hơi chếch thì phần mềm sẽ nhận diện được, còn những trường hợp làm lệch quá nhiều thì phần mềm không thể nhận diện được sẽ báo lỗi.
Mọi sự cố khi xuất hiện đều được báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của bộ GD&ĐT. Ví dụ, trước đây, tại một điểm thi, máy chấm thi trắc nghiệm không chạy được, nên chúng tôi phải hỏi ban Chỉ đạo của Bộ về kỹ thuật, phát hiện có một file lẫn vào nên không chạy được”, Phó Hiệu trưởng đại học Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh thêm.
Tập huấn cả thí sinh lẫn cán bộ chấm thi
Đánh giá về sự cố chấm thi ở tỉnh Tây ninh, trao đổi với PV Người Đưa Tin, TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng vụ Giáo dục chuyên nghiệp, bộ GD&ĐT phân tích: “Nếu lỗi nằm ở phần mềm chấm thi trắc nghiệm thì tình trạng đó sẽ diễn ra ở hàng loạt địa phương.
Do tập huấn không kỹ cho sinh viên trước khi bước vào kỳ thi, hoặc do chất lượng của máy scan và giấy thi không đảm bảo. Bên cạnh đó, là trách nhiệm của cán bộ chấm thi tại địa phương đó”.
“Vì vậy, để có thể khắc phục những sai sót đáng tiếc như kỳ thi năm nay, mỗi giáo viên phải hướng dẫn học sinh cách tô đáp án, nhấn mạnh ở những phần có thể gây “mất điểm oan” và cho thí sinh tập làm quen với phiếu trả lời trắc nghiệm nhiều hơn để ổn định tâm lý trong phòng thi.
Bên cạnh đó, bộ GD&ĐT cần chỉ đạo các hội đồng thi tăng cường tập huấn kỹ lưỡng cho các cán bộ chấm thi, nêu cao trách nhiệm đối với các thí sinh hơn nữa”, TS. Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.
Trước đó, tại hội đồng thi tỉnh Tây Ninh có 58 bài thi trắc nghiệm sau khi chấm phúc khảo, được trả về kết quả thực.
Theo báo cáo của ban Phúc khảo bài thi trắc nghiệm, hội đồng thi sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh, việc chấm phúc khảo đã được thực hiện theo đúng quy trình phúc khảo của bộ GD&ĐT. Cụ thể, ban Phúc khảo đã rút bài thi của thí sinh, đối chiếu với biên bản thu bài thi, sơ đồ phát đề thi và dữ liệu ảnh quét của thí sinh để kiểm tra tính chính xác, xác định rõ nguyên nhân rồi tiến hành chấm phúc khảo.
Nguyên nhân của việc 58 bài thi trắc nghiệm bị điểm 0 được phát hiện là do thí sinh tô sai mã đề, tô nhầm số báo danh và tô mờ đáp án.
Ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng cục Quản lý chất lượng, bộ GD&ĐT cũng cho biết, việc 58 bài thi trắc nghiệm của 34 thí sinh bị điểm 0 là hiện tượng cá biệt, chỉ xảy ra ở hội đồng thi sở GĐ&ĐT tỉnh Tây Ninh.
Liên quan đến câu hỏi của PV báo Người Đưa Tin về vấn đề “kết quả phúc khảo có ảnh hưởng đến thời hạn điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh hay không?”, đại diện bộ GD&ĐT khẳng định sẽ không ảnh hưởng, thời hạn điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh vẫn theo đúng kế hoạch của Bộ.
Công Luân - Thủy Tiên