Theo ông Cao Hoàng Hải, Chủ tịch UBND xã Châu Hạnh, 2 cá thể voi rừng xuất hiện vào tối 9.9 tại khu vực núi Phá Đằm thuộc xã này.
Lúc này người dân đang nằm tại lán trại trên nương rẫy bỗng nghe tiếng kêu lạ, thức dậy thì thấy cặp voi đang ăn lúa và hoa màu. Nhiều người đã tìm cách đuổi cặp voi này đi bằng cách đánh chiêng, trống, bật nhạc, đốt lửa... tuy nhiên cặp voi không những không bỏ đi mà tiếp tục ở lại.
Tiếp đó, vào tối 11.9, cặp voi trên lại xuất hiện và phá hoại sắn, lúa của nhà ông Lê Văn Phương ở xã Châu Hạnh.
Sau khi nắm được thông tin voi rừng ra phá ruộng lúa, hoa màu của người dân, UBND xã Châu Hạnh đã tổ chức kiểm tra, thống kê thiệt hại. Đồng thời, xã cũng tuyên truyền người dân cách đề phòng voi gây hại đến người cũng như không được dùng hung khí tấn công gây kích động voi.
Hiện số liệu thống kê thiệt hại chưa đầy đủ nhưng có khoảng 10 hộ gia đình bị thiệt hại hoa màu do voi phá.
Dấu vết voi rừng phá hoại hoa màu tại xã Châu Hạnh trong mấy ngày qua
Người dân địa phương cho biết, đây là cặp voi mẹ con, sống ở khu vực Quỳ Hợp, Quỳ Châu thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống đã rất lâu. Mỗi lần ra khỏi bìa rừng, những cá thể voi này chỉ phá hoại hoa màu và cây cối mà chưa bao giờ tấn công người.
Cũng theo UBND xã Châu Hạnh, việc xua đuổi voi là rất khó vì voi chỉ ra khu vực có hoa màu vào ban đêm, ban ngày thì voi trốn vào trong rừng.
Hiện chính quyền đang tích cực tìm cách để ngăn chặn voi phá cũng như đảm bảo an toàn cho voi và người dân.
Được biết, quần thể voi rừng ở Nghệ An còn khoảng 13 đến 14 con, được tách thành 4 đàn nhỏ, phân bố ở 2 khu vực Vườn Quốc gia Pù Mát và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Voi rừng là loại động vật được đưa vào danh mục Sách đỏ Việt Nam cần bảo vệ khẩn cấp.
Thành Vinh