Trong nhiều năm qua, xử lý chất thải sinh hoạt luôn là bài toán nan giải không chỉ riêng Lâm Đồng mà còn với nhiều địa phương trên cả nước. Việc chôn lấp rác thải lộ thiên, phát sinh khí độc và nước rỉ rác gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn đất, nước và không khí. Nhà máy xử lý chất thải rắn Liên Đầm ra đời đã góp phần giải quyết căn cơ vấn đề này bằng cách tiếp cận mới – biến rác thành tài nguyên.
Đoàn công tác tham quan tại Nhà máy xử lý chất thải rắn Liên Đầm khi vào vận hành
Được biết, vào ngày 29/4 Nhà máy xử lý chất thải rắn Liên Đầm tại xã Liên Đầm, huyện Di Linh đã chính thức vận hành, với tổng vốn đầu tư 291 tỉ đồng, dự án được triển khai trên diện tích hơn 21 ha. Riêng giai đoạn 1 đã đi vào hoạt động với công suất 150 tấn/ngày đêm (trên tổng công suất thiết kế 350 tấn/ngày đêm), sử dụng 18,66 ha và vốn đầu tư 142 tỉ đồng. Điều đáng chú ý là nhà máy không đơn thuần chỉ xử lý rác – mà còn tái sinh tài nguyên.
Thông qua công nghệ đốt sinh khối tích hợp tận thu nhiệt để phát điện nội bộ, sản xuất phân vi sinh, gạch không nung và nhựa tái sinh, nhà máy theo đuổi mô hình kinh tế tuần hoàn khép kín. Tỷ lệ chất thải phải đem chôn lấp sau xử lý được kiểm soát dưới 10% – một con số mang ý nghĩa đột phá trong bối cảnh nhiều bãi rác ở Việt Nam đang quá tải.
Ông Ngô Pa Ri, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Sài Gòn Xanh, chia sẻ: “Với sứ mệnh giữ gìn màu xanh cho hôm nay và mai sau, chúng tôi cam kết vận hành nhà máy theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường. Tất cả công đoạn xử lý đều được kiểm soát tự động, giám sát liên tục để đảm bảo không phát sinh tác động tiêu cực tới môi trường và sức khỏe cộng đồng”.
Không chỉ xử lý rác một cách hiệu quả, nhà máy còn hướng tới mục tiêu lớn hơn là thay đổi cách nhìn về rác. Khi chất thải không còn là gánh nặng mà trở thành nguồn nguyên liệu cho sản xuất điện, phân bón hữu cơ và vật liệu xây dựng, mô hình này sẽ tạo ra giá trị gia tăng kép: vừa bảo vệ môi trường, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, xanh và bền vững.
Ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, phát biểu tại lễ khánh thành nhà máy chất thải rắn Liên Đầm
Tại buổi lễ khánh thành, ông Nguyễn Ngọc Phúc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng – khẳng định: “Việc đưa vào vận hành Nhà máy Liên Đầm là bước tiến quan trọng trong hiện thực hóa chiến lược phát triển xanh của tỉnh. Đây không chỉ là dự án xử lý rác, mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng sống cho người dân địa phương”.
Đồng thời, ông Phúc nhấn mạnh vai trò phối hợp giữa chính quyền các cấp, doanh nghiệp và cộng đồng. Theo ông, ngoài việc tuân thủ nghiêm các quy trình kỹ thuật, chủ đầu tư cần liên kết với UBND huyện Di Linh và các đơn vị chức năng trong việc tuyên truyền, tổ chức phân loại rác tại nguồn, nâng cao nhận thức người dân về giảm thiểu rác thải và tái sử dụng tài nguyên.
Đây chính là mảnh ghép quan trọng để mô hình nhà máy xử lý chất thải tuần hoàn vận hành hiệu quả. Khi rác được phân loại ngay từ hộ gia đình, các quy trình xử lý sẽ trở nên đơn giản và tiết kiệm hơn, đồng thời gia tăng hiệu suất tái chế, giảm thiểu triệt để lượng chất thải tồn dư.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên đang là những thách thức toàn cầu, việc chuyển đổi mô hình quản lý chất thải theo hướng tuần hoàn và tái tạo là một phần tất yếu của quá trình phát triển bền vững. Nhà máy xử lý chất thải rắn Liên Đầm là một bước đi tiên phong trong xu hướng này tại Tây Nguyên, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050.
Sự kiện khánh thành nhà máy mang nhiều ý nghĩa và khẳng định quyết tâm đổi mới tư duy phát triển từ phát triển “bằng mọi giá” sang phát triển có trách nhiệm với môi trường, với thế hệ tương lai.
Lê Lĩnh
Nguồn congnghiepmoitruong.vn
Link bài gốchttps://congnghiepmoitruong.vn/lam-dong-dua-vao-van-hanh-nha-may-xu-ly-chat-thai-ran-theo-huong-tuan-hoan-vi-mot-moi-truong-ben-vung-15013.html