Trong những năm qua, tỉnh Điện Biên đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo sự phát triển cân bằng giữa kinh tế và sinh thái. Công tác quản lý tài nguyên, kiểm soát ô nhiễm và giảm thiểu tác động tiêu cực từ hoạt động sản xuất, sinh hoạt được chú trọng.
Tỉnh tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về giữ gìn môi trường xanh – sạch – đẹp; đồng thời đẩy mạnh kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường. Các mô hình sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo và phát triển kinh tế tuần hoàn đang được từng bước áp dụng.
Trong quy hoạch phát triển đô thị và hạ tầng, Điện Biên ưu tiên lồng ghép yếu tố môi trường nhằm bảo đảm không gian sống bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, tỉnh chú trọng phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường, xem đây là yếu tố nền tảng để phát triển ổn định và lâu dài.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, Điện Biên nỗ lực thúc đẩy các ngành kinh tế thân thiện với môi trường, áp dụng công nghệ xanh và quản lý chặt chẽ các hoạt động sản xuất để giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Công tác thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt được Điện Biên chú trọng.
Đáng chú ý, ngành du lịch được tỉnh Điện Biên xác định phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Ngành du lịch tỉnh đã xác định bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm mà còn là yếu tố cốt lõi để phát triển du lịch một cách bền vững.
Với phương châm đó, ngành du lịch Điện Biên đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, lồng ghép hiệu quả nội dung bảo vệ môi trường vào các hoạt động du lịch trên địa bàn. Công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường được đẩy mạnh, tập trung vào Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn trong lĩnh vực văn hóa, du lịch. Nội dung được phổ biến rộng rãi qua cổng thông tin điện tử, màn hình LED, bảng điện tử, mạng xã hội… góp phần nâng cao ý thức cộng đồng.
Các hoạt động như: Chiếu phim lưu động, biểu diễn văn nghệ, giao lưu văn hóa - thể thao tại địa phương cũng được lồng ghép nội dung tuyên truyền bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao ý thức của người dân, du khách và cộng đồng trong việc giữ gìn môi trường du lịch xanh - sạch - đẹp.
Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng từ thực tiễn đã xuất hiện những tín hiệu tích cực trong công tác bảo vệ môi trường. Nhiều mô hình sáng tạo được áp dụng nhằm nâng cao ý thức cộng đồng như: Thùng rác phân loại đặt đúng nơi, biển tuyên truyền song ngữ tại lối vào và khu vực nhiều người, một số điểm còn lắp camera giám sát hành vi xả rác… Những thay đổi này đang từng bước góp phần hình thành thói quen văn minh cho cả du khách và người dân địa phương.
Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tỉnh được tăng cường, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm về môi trường theo quy định. Trong 6 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh thực hiện 13 cuộc kiểm tra tại 14 cơ sở, doanh nghiệp; phát hiện 3 trường hợp vi phạm và cơ quan chức năng đã xử phạt 69 triệu đồng.
Bên cạnh đó, công tác thẩm định, cấp phép môi trường tại Điện Biên được thực hiện nghiêm túc, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ môi trường gắn với phát triển bền vững.
Đặc biệt, trong hoạt động thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), tỉnh đã chú trọng nâng cao trách nhiệm của các thành viên Hội đồng thẩm định, đồng thời tăng cường việc khảo sát, kiểm tra thực tế tại các dự án trước khi tiến hành họp thẩm định.
Điện Biên kiên quyết không phê duyệt những báo cáo ĐTM chưa đáp ứng yêu cầu về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Công tác giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực môi trường cũng được đẩy nhanh, đảm bảo đúng và sớm hơn thời hạn quy định.
Trong năm qua, Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) đã tham gia thẩm định 2 báo cáo ĐTM và 1 hồ sơ đề xuất cấp Giấy phép môi trường (GPMT) cấp Bộ; thẩm định 23 báo cáo ĐTM và 22 hồ sơ đề xuất cấp GPMT cấp tỉnh. Trong đó, UBND tỉnh đã phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM của 17 dự án và cấp GPMT cho 14 cơ sở, dự án trên địa bàn.
Đại diện Phòng Quản lý môi trường và khoáng sản, Sở NN&MT tỉnh Điện Biên, cho biết: Ngoài việc đảm bảo đúng quy định, công tác thẩm định còn phải đánh giá được những tác động lâu dài tới môi trường, cộng đồng dân cư. Với tinh thần trách nhiệm cao, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục rà soát, nâng cao quy trình thẩm định, không để xảy ra tình trạng nể nang, dễ dãi trong xét duyệt các dự án đầu tư.
Điện Biên siết chặt công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhất là các dự án liên quan đến khai thác khoáng sản.
Song song với công tác thẩm định, Sở cũng tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Việc phối hợp giữa các phòng chuyên môn và đơn vị chức năng được triển khai đồng bộ, qua đó kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các vi phạm, góp phần lập lại trật tự trong lĩnh vực môi trường.
Đồng thời, Sở cũng chú trọng nâng cao chất lượng và thực hiện nghiêm túc các quy trình lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM, GPMT đối với các dự án đầu tư. Cùng với đó, đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường thông qua việc rà soát, nhân rộng các mô hình hiệu quả. Điện Biên xác định không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, các dịch vụ môi trường như thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải tiếp tục được mở rộng với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Tỉnh cũng đang tích cực triển khai thực hiện các quy định về quản lý chất thải rắn, đặc biệt là kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Những kết quả đạt được là cơ sở quan trọng để Điện Biên tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên, môi trường.
Trước đó, năm 2024, UBND tỉnh Điện Biên ban hành kế hoạch số 08/2024/QĐ-UBND về triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn. Kế hoạch đề ra mục tiêu đến năm 2025 và các năm tiếp theo, tỉnh Điện Biên nỗ lực hoàn thành mục tiêu: 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định; kiện toàn lại hệ thống, mạng lưới thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ cấp huyện đến xã; đưa vào hoạt động các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định…
Với cách tiếp cận toàn diện và đồng bộ, Điện Biên đang từng bước khẳng định định hướng phát triển bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường. Việc nâng cao ý thức cộng đồng, siết chặt quản lý tài nguyên và thúc đẩy các mô hình phát triển tuần hoàn không chỉ góp phần cải thiện chất lượng môi trường sống mà còn tạo nền tảng cho tăng trưởng xanh.
Trọng Hoàng