Sản xuất đi kèm với bảo vệ môi trường
Năm 2024, sản lượng sản xuất clinker và xi măng cả nước đạt khoảng 95 triệu tấn. Tổng sản lượng clinker và xi măng tiêu thụ khoảng 95 triệu tấn, tăng khoảng 1% so với năm 2023, trong đó, xi măng tiêu thụ nội địa khoảng 65,3 triệu tấn, tăng 3% so với năm 2023; xuất khẩu sản phẩm xi măng và clinker khoảng 29,7 triệu tấn, giảm 5% về khối lượng so với cùng kỳ năm 2023, giá trị xuất khẩu ước đạt 1,136 tỷ USD, giảm 14,2% về giá trị so với năm 2023. Sản lượng tồn kho clinker và xi măng khoảng 4,5 triệu tấn, tương đương khoảng 15 ngày sản xuất.
Thay đổi công nghệ là giải pháp cần thiết khi ngành Xi măng đang được đánh giá là ngành sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao
Sự phát triển nhanh chóng về năng lực sản xuất và cung ứng Xi măng đi kèm với nhiều vấn đề về môi trường như nguy cơ ô nhiễm nguồn nước cao, chiếm dụng đất, lãng phí tài nguyên, phát sinh khí thải, rác thải…
Trước thực trạng đó, Công ty Cổ phần Quốc tế Xuân An và Công ty TNHH Năng lượng, Bảo vệ môi trường Khải Thịnh Nam Kinh đã sáng tạo và phát triển công nghệ “Tích hợp khí thải lò cơ học với dây chuyền sản xuất xi măng” để đồng xử lý rác thải sinh hoạt. Công nghệ này chuyển hóa rác thải thành khói nóng và clinker, sau đó đưa vào dây chuyền sản xuất xi măng để tái sử dụng. Điều này giúp giảm mức tiêu thụ nhiên liệu trong sản xuất xi măng, tạo ra sự kết hợp hoàn hảo giữa tái sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, đạt được hiệu quả xử lý rác thải cao và thân thiện với môi trường.
Với mục tiêu lượng carbon thấp, hiệu suất cao và những giấc mơ xanh, Công ty đã sử dụng hệ thống lò đốt rác chuyên dụng để xử lý rác thành khói nóng và clinker, sau đó đưa vào các vị trí khác nhau trong hệ thống sản xuất xi măng. Công nghệ xử lý tách biệt này không chỉ loại bỏ tác động đến quá trình nung clinker mà còn đảm bảo việc xử lý triệt để rác thải sinh hoạt. Quá trình xử lý không tạo ra chất thải thứ cấp và đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm soát hiện hành về chất lượng sản phẩm xi măng cũng như khí thải.
Ưu điểm của quy trình đốt rác thải sử dụng lò cơ học thải khí là rác thải không cần tiền xử lý, quy trình công nghệ ngắn, vốn đầu tư thấp, khối lượng công việc vận hành và bảo trì ít, tính thích ứng cao và công nghệ tiên tiến. Về kỹ thuật, lò đốt rác đã được ứng dụng rộng rãi trong ngành phát điện từ rác thải, công nghệ đã rất hoàn thiện. Thành phần rác thải phức tạp, có sự khác biệt lớn giữa các khu vực nhưng lò đốt có thể xử lý tất cả mà không gặp vấn đề, đảm bảo nhiệt độ lò duy trì ổn định trên 900 độ C mà không bị tắc nghẽn. Do không cần phân loại, không cần nghiền nhỏ, loại bỏ các bước xử lý trước nên tiết kiệm chi phí đầu tư, chi phí vận hành và bảo trì hàng ngày thấp.
Toàn bộ khu vực đồng xử lý vận hành dưới áp suất âm. Khí thải được hút vào và đưa đến lò đốt và thiết bị làm mát để xử lý ở nhiệt độ cao. Khi nhà máy ngừng hoạt động, hệ thống sẽ kích hoạt thiết bị khử mùi “tháp rửa + hấp thụ than hoạt tính” để giảm thiểu sự phát tán mùi hôi một cách hiệu quả.
Công nghệ đồng xử lý rác thải nguy hại trong xi măng
Chất thải nguy hại là các loại chất thải được liệt kê trong danh mục chất thải nguy hại quốc gia hoặc được xác định có đặc tính nguy hiểm theo tiêu chuẩn đánh giá quốc gia. Việc tiền xử lý chất thải nguy hại giúp cho tính chất vật lý và hóa học của chất thải đồng đều, thuận tiện cho việc vận chuyển và nạp liệu, giảm tối đa các thành phần có hại, đáp ứng yêu cầu kiểm soát, nâng cao năng lực xử lý, chế tạo nhiên liệu thay thế và nguyên liệu. Các quá trình xử lý sơ bộ có thể kể đến như: sấy khô, nghiền, sàng, trung hòa, trộn, phối trộn, nung sơ bộ…
Nhằm nâng cao hiệu quả xử lý chất thải nguy hại, Công ty đã triển khai thực hiện nghiêm túc Quy trình xử lý chất thải nguy hại. Các loại chất thải nguy hại cần nghiền sẽ được nạp liệu thông qua gầu ngoạm của xe vận chuyển và băng tải nâng, sau đó đi qua máy nghiền kiểu cắt (có dùng model với hệ thống SMOP) để nghiền. Sau khi nghiền, vật liệu có thể được đưa vào hầm chứa nguyên liệu hoặc đi qua hệ thống cân xích, băng tải và van gió cấp ba để vào buồng đốt sơ cấp hoặc lò phân hủy. Còn đối với vật liệu không cần nghiền sẽ được nạp liệu trực tiếp vào hệ thống cân xích, băng tải và van gió cấp ba để vào lò phân hủy. Hệ thống còn được trang bị một máy nghiền tích hợp hệ thống đập lửa, cùng các thiết bị phụ trợ như cân xích và băng tải.
Quy trình xử lý chất thải nguy hại được thực hiện đồng bộ, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với công nhân, đảm bảo tính an toàn và mang lại hiệu quả thông qua các dây chuyền sản xuất hiện đại.
Có thể nhận thấy, việc triển khai đưa công nghệ “Tích hợp khí thải lò cơ học với dây chuyền sản xuất xi măng” để đồng xử lý rác thải vào thực tiễn sản xuất đã và đang mang lại nhiều hiệu quả không chỉ đến từ lợi ích kinh tế mà còn thiết thực với công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Nắm được lợi thế đó, Công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ cũng như tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ nhằm nâng cao hơn nữa giá trị thương phẩm trong thời gian tới cùng với việc bảo vệ môi trường và thức đẩy tuần hoàn đối với các nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như đầu ra trong sản xuất góp phần thắng lợi mục tiêu phát triển ngành Xi măng ngày càng xanh hơn.
Phạm Kiên
Nguồn congnghiepmoitruong.vn
Link bài gốchttps://congnghiepmoitruong.vn/cong-nghe-tich-hop-khi-thai-lo-co-hoc-voi-day-chuyen-san-xuat-xi-mang-14884.html