Trước tình hình sạt lở ven sông, ven biển đã và đang diễn biến ngày càng phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau – Nguyễn Tiến Hải, đã ban hành quyết định tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển Đông và sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Tỉnh đã giao các sở, ngành, đơn vị có liên quan trách nhiệm xử lý các tình huống khẩn cấp. Đồng thời, đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí xử lý khẩn cấp các vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm.
Tại H.Năm Căn, tình hình sạt lở, ảnh hưởng do thiên tai năm nay đã xuất hiện sớm hơn so với mọi năm. Từ đầu năm đến nay, địa phương này bị ảnh hưởng do thiên tai thiệt hại khoảng 3 tỉ đồng. Qua kiểm tra, rà soát, H.Năm Căn có 17 điểm dân cư có nguy cơ sạt lở cao. Trong đó, có 10 điểm đặc biệt nghiêm trọng, riêng tại TT.Năm Căn có 2 điểm nguy cơ sạt lở với chiều dài khoảng 3km.
Trong tháng 9, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ sạt lở đất với chiều dài 323 mét, làm thiệt hại 2 căn nhà; lốc xoáy làm 1 người bị thương, sập 2 căn nhà, tốc mái 28 căn nhà. Ước tổng thiệt hại khoảng 448 triệu đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, lốc xoáy đã làm sập 275 căn nhà, 1 trường học, 2 cổng chào và 1 trụ ăng ten, tốc mái 1.296 căn nhà, 3 trường học.
Mưa lớn làm ngập úng 3.555 héc-ta lúa, hoa màu; triều cường làm vỡ 164 mét bờ bao, ngập 2.389 căn nhà, 3 trường học, 11.497 mét đường và bờ bao, ảnh hưởng 149 héc-ta nuôi trồng thủy sản; sạt lở đất ven sông với chiều dài gần 3,6 km làm thiệt hại 62 căn nhà và 1 kho vật liệu xây dựng. Tổng giá trị tài sản thiệt hại ước tính 69 tỉ đồng.
Hiện nay, trên tuyến đê biển Tây có 4 đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 2,1 km và đang tiếp tục sạt lở thêm, gây ảnh hưởng đến sự ổn định của đê biển. Đối với khu vực bờ biển Đông và các sông, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định tình huống khẩn cấp, trong đó xác định 8 điểm sạt lở nguy hiểm với tổng chiều dài gần 28 km.
Trần Duy