Theo công bố mới nhất của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), lượng tồn kho bất động sản còn khoảng 20.000 tỷ đồng.
Con số này đã giảm mạnh so với năm 2013 (thời kỳ “đỉnh cao” hàng tồn), chỉ còn trên dưới 20%. Song, tốc độ giải quyết hàng tồn kho lại đang chậm đáng kể, khiến thị trường không khỏi lo ngại. Theo số liệu cập nhật từ Bộ Xây dựng, tốc độ giải quyết hàng tồn kho giai đoạn 2017-2018 đã giảm tới vài lần so với giai đoạn 2013-2016. Nguyên nhân là do có rất nhiều dự án không thể thanh lý, hoặc chuyển nhượng được cho các đối tác mới để tiếp tục phát triển.
Báo cáo cũng cho biết, tuy cơ cấu hàng hoá bất động sản, nhất là loại hình nhà ở tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đã được điều chỉnh tích cực hơn, song, vẫn chưa thực sự phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường. Cụ thể, nguồn cung nhà ở thuộc phân khúc cao cấp, thiết kế diện tích lớn, giá trị cao đang dư thừa, trong khi, phân khúc nhà ở bình dân vốn đang được đại bộ phận dân cư đô thị cần lại rất thiếu.
Nội dung báo cáo nêu: “Theo phân tích thị trường hiện nay, nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên chỉ chiếm từ 20-30 % thị trường tuỳ từng địa phương, đô thị cụ thể và tập trung ở các đô thị lớn, các đô thị còn lại thì tỷ lệ này còn nhỏ hơn. Phân khúc nhà ở bình dân, nhà ở xã hội giá thấp dưới 25% chiếm tới 70-80 % thị trường nhưng nguồn cung hiện nay lại đang mất cân đối”.
Cũng theo đánh giá của Bộ Xây dựng, giá bất động sản, nhất là loại hình nhà ở chưa thực sự ổn định, chưa phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản và chưa phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phần người dân. Theo cách tính chung hiện nay, giá nhà ở là vừa phải khi lợi nhuận cho thuê đạt xấp xỉ lãi suất tiền gửi ngân hàng.
Giá bất động sản vẫn còn bị một số đối tượng đầu cơ lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị… đẩy lên cao, nhằm trục lợi bất chính, dẫn đến tiềm ẩn những bất ổn cho sự phát triển của thị trường.
Sự phát triển của thị trường bất động sản hiện nay theo đánh giá của Cơ quan quản lý là còn thiếu sự minh bạch. Từ những khâu đầu tiên như bắt đầu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, giao dự án cho đến cả khâu cuối cùng là giao dịch bất động sản đều chưa thực sự rõ ràng. Hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu các dự án tại nhiều địa phương vẫn chưa được thực hiện triệt để, cơ chế xin - cho vẫn còn tồn tại trong việc giao dự án, khiến tiêu cực dễ phát sinh.
(Tiền phong Online)