Từ nay đến năm 2025, TP HCM dự kiến thực hiện hơn 500 dự án hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị, công trình công cộng…
Đây là nội dung trong Kế hoạch phát triển và quản lý sử dụng nhà ở, đất ở phục vụ tái định cư giai đoạn 2019-2020 và đến năm 2025 vừa được UBND thành phố ban hành.
Giai đoạn 2019 - 2020, TP HCM dự kiến triển khai 301 dự án trọng điểm bao gồm: 187 dự án hạ tầng kỹ thuật, 74 dự án hạ tầng xã hội, công trình công cộng và 40 dự án chỉnh trang đô thị, di dời nhà trên và ven kênh rạch. Khoảng 19.100 trường hợp hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng khi thành phố triển khai.
Giai đoạn 2021- 2025, thành phố dự kiến triển khai 226 dự án trọng điểm, trong đó có 32 dự án chỉnh trang đô thị, di dời nhà trên và ven kênh rạch. Khoảng 24.900 trường hợp hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng trong giai đoạn này.
Lãnh đạo thành phố khẳng định công tác tái định cư phải được xem xét giải quyết một cách toàn diện, không chỉ giải quyết nhà ở mà cần phải đảm bảo không gian sống phù hợp, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Công tác này phải gắn với việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội như đào tạo nghề, giải quyết công ăn việc làm tốt hơn hoặc phục hồi thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân sau khi di dời.
Đối với những dự án có diện tích thu hồi đất lớn, dự án phát triển đô thị tại khu vực trung tâm thành phố, chủ đầu tư phải đảm bảo quỹ nhà phục vụ tái định cư tại chỗ. Ưu tiên dành quỹ đất có quy hoạch phù hợp trên địa bàn 5 huyện của thành phố để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu tái định cư cho người dân các dự án chỉnh trang đô thị, công ích trên địa bàn.
“Phải khảo sát từng trường hợp, có chính sách, hỗ trợ phù hợp. Tái định cư cũng phải tính toán đồng bộ, không để di dời người dân không có chỗ tái định cư, tổ chức lại cuộc sống của dân cư không tốt hơn chỗ người ta đang ở thì tuyệt đối không làm”- ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết./.
(VOV - TP.HCM)
P.V
Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại