Theo báo cáo từ các đơn vị phân tích thị trường phía Đông và Nam TPHCM trong những tháng cuối năm 2019, sẽ tiếp tục là điểm nóng với nhiều dự án mới liên tục được đưa ra thị trường.
TP.HCM được xếp vào đô thị có tốc độ tăng trưởng dân số nhanh so với những thành phố khác trên khắp cả nước. Tính đến thời điểm hiện tại, dân số TP.HCM đã vượt ngưỡng 13 triệu người. Dân số gia tăng tỉ lệ thuận với nhu cầu về nhà ở, gây sức ép lên quỹ đất thành phố, đặc biệt là khu vực trung tâm. Trước tình hình đó, TPHCM từ lâu đã tăng chi từ nguồn ngân sách và kêu gọi đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống hạ tầng giao thông kết nối thuận lợi.
Với hệ thống hạ tầng giao thông hoàn thiện cùng tin vui loạt dự án mới được xây dựng, 2 khu vực này nhanh chóng trở thành thỏi nam châm với hấp lực lớn thu hút nhà đầu tư và tập trung dân cư trong vài năm trở lại đây. Theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù thị trường nhà ở TPHCM đang khan hiếm nguồn cung, nhưng hiện nay đang xuất hiện một làn sóng mới để chuẩn bị cho đợt bung hàng ra thị trường trong đầu quý 3/2019.
Về khu vực, phía Đông và Nam sẽ tiếp tục là điểm nóng của thị trường trong thời gian này, với nhiều dự án mới liên tục được đưa ra thị trường. Tại khu vực phía Đông, CBRE Việt Nam nhận định bên cạnh việc ngày càng hoàn thiện các dự án hạ tầng giao thông, trong năm 2019 khu Đông Sài Gòn sẽ tiếp tục đón sóng đầu tư mới, nhiều dự án tỷ đô được "rót" vào Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao TP.HCM… tạo cho thị trường BĐS khu vực này nhiều cơ hội bứt phá.
Tương tự, theo ông Trần Hiếu - Phó Tổng Giám đối Khối Tiếp thị & Kinh doanh DKRA Việt Nam, với hàng loạt cơ sở hạ tầng đột phá và quy mô trong thời gian tới, thị trường bất động sản khu Nam (quận 7, 8, Nhà Bè, Cần Giờ) sẽ luôn giữ vững đẳng cấp. Bằng chứng là hàng loạt các tên tuổi lớn trong giới địa ốc đã tung ra những dự án lớn để thu hút khách hàng, nguồn cung mạnh nhất trong những tháng tới vẫn là khu vực Phú Mỹ Hưng, quận 7. Nếu thời điểm trước khu Nam nổi lên với những dự án thuộc phân khúc cao cấp, thì năm 2017 - 2018 nhiều dự án chung cư tầm trung được các chủ đầu tư ưu ái.
"Xu hướng này sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh trong một vài năm tới, nhất là mảng văn phòng cho thuê. Một phần do khu Nam đang được TP.HCM chú trọng đầu tư nhiều dự án giao thông khá lớn kết nối toàn vùng với khu trung tâm, phần khác nơi đây được thụ hưởng sự phát triển sẵn có của khu đô thị Phú Mỹ Hưng như mảng xanh, tiện ích ngoại khu, nhiều tuyến đại lộ lớn...", ông Hiếu nói thêm.
Thật vậy, theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, nhiều dự án hạ tầng thuộc khu Nam Sài Gòn đã được đưa vào lộ trình phê duyệt đầu tư từ nay đến năm 2020 như: dự án cầu Thủ Thiêm 3; cầu Thủ Thiêm 4; dự án xây nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng); dự án cầu Nguyễn Khoái từ quận 7 qua quận 4 (vốn đầu tư 1.250 tỷ đồng); dự án mở rộng đường Nguyễn Tất Thành lên khoảng 45m (kéo dài từ cầu Tân Thuận đến Bến Nhà Rồng), quận 4.
Dự án cầu Rạch Đĩa và cầu Long Kiểng vừa được khởi công và dự kiến hoàn thành vào trong cuối quý 2/2019 này… Đặc biệt, UBND TP.HCM đã giao Sở Xây dựng và các nhà đầu tư nhanh chóng xúc tiến phương án đầu tư dự án hệ thống hầm chui, cầu vượt tại ngã tư Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, với số vốn gần 6.000 tỷ đồng.
Không dừng ở đó, khu Nam Sài Gòn còn có các dự án quy hoạch trục đường Phú Thuận, nối từ khu vực Mũi Đèn Đỏ thẳng vào khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Đường Phú Thuận sẽ là trục đường huyến mạch quan trọng, tạo động lực phát triển khu vực này trong năm 2017.
Bên cạnh những dự án trọng điểm, khu Nam cũng có sự phát triển đồng bộ nhiều tuyến đường để kết nối thuận tiện với khu trung tâm. Đường Huỳnh Tấn Phát được mở rộng lên 30m kết nối với trục đường chính Nguyễn Văn Linh. Cầu Bình Tiên được xây dựng để mở đường cho việc hình thành tuyến đường Vành đai trong kết nối toàn bộ khu vực Nam Sài Gòn với các khu vực Tây và Tây Nam thành phố.
Mới đây nhất, theo đề xuất của Sở Giao thông vận tải, UBND TP.HCM đã chấp thuận đầu tư xây dựng đường trục Bắc - Nam (đoạn từ Hoàng Diệu đến đường Nguyễn Văn Linh và đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cầu Bà Chiêm) theo hình thức đối tác công tư – PPP.
Dự án gồm cả nút giao Nguyễn Văn Linh và Nguyễn Hữu Thọ và xây dựng cầu Rạch Đĩa, cầu số 1, cầu Bản 2, cầu Phước Kiểng, cầu Bà Chiêm. Tổng mức đầu tư dự án hơn 8.500 tỷ đồng, bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng.
Nhà đầu tư cam kết sẽ ứng toàn bộ kinh phí để giải phóng mặt bằng và ủy thác thành phố thực hiện bồi thường cho dự án đường trục Bắc - Nam và Khu đô thị Hiệp Phước. Đồng thời, đơn vị này cũng cam kết sẽ chuyển tiền ký quỹ 5.000-10.000 tỷ đồng khi được chọn làm nhà đầu tư dự án. Liên doanh này đề xuất thành phố thanh toán bằng quỹ đất 1.300 ha tại Khu đô thị Hiệp Phước (huyện Nhà Bè).
Đường trục Bắc - Nam bắt đầu từ quốc lộ 22 (An Sương, quận 12) đến Khu công nghiệp Hiệp Phước là một trong 2 tuyến trục xuyên tâm của TP.HCM. Trong đó, đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cầu Bà Chiêm là trục chính trong "Quy hoạch giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020" đã được Chính phủ phê duyệt.
Đặc biệt, dự án cầu Cần Giờ thay thế phà Bình Khánh sẽ được cây dựng theo hình thức BOT kết hợp BT. Ngoài việc ưu tiên giải quyết các điểm ùn tắc, trước mắt thành phố cũng lên phương án mở rộng đường Lê Văn Lương - tuyến đường huyết mạch kết nối khu Nam TP.HCM và tỉnh Long An.
Song song đó, tuyến Metro số 4 với tổng vốn đầu tư 97.000 tỷ đồng (đi qua các quận 1, 3, 4, 7, 12, Gò Vấp, Phú Nhuận và huyện Nhà Bè) chạy song song với đường Nguyễn Hữu Thọ, đã quy hoạch và đang được kiến nghị điều chỉnh mở rộng lộ giới, kéo dài từ đường Nguyễn Văn Linh (quận 7) đến Khu đô thị cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè). Bên cạnh đó, tuyến đường Phạm Hùng cũng sẽ được đầu tư nâng cấp nhằm kết nối trung tâm Phú Mỹ Hưng với Khu đô thị cảng Hiệp Phước, từ đó sẽ giúp lưu thông thuận lợi về Long An.
Cùng với sự phát triển của hạ tầng, thời gian qua, hàng loạt dự án nhà ở cùng các dự án phục vụ cộng đồng dân cư như trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí… cũng được nhiều doanh nghiệp quyết định đầu tư tại khu Nam khiến cả khu vực này đang "thay da đổi thịt" từng ngày.
Theo báo cáo từ các đơn vị phân tích thị trường, TP.HCM là nơi có biên độ tăng giá cao nhất trong cả nước, đồng thời cũng là thị trường có chu kỳ thiết lập mặt bằng giá mới ngắn hơn so với các tỉnh thành khác. Tại khu Nam thành phố, xu hướng thiết lập mặt bằng giá mới cũng diễn ra tương tự do quỹ đất thu hẹp nhưng nhu cầu sở hữu bất động sản tăng cao.
Giá trung bình của bất động sản quận 7, khu vực hạt nhân khu Nam Sài Gòn hiện giao động từ 30 – 75 triệu đồng/m2, tăng 20-30% trong vòng 1 năm qua. Đặc biệt, khu vực dọc tuyến đường Nguyễn Văn Linh, Phú Mỹ Hưng có mức tăng giá cao nhất, từ 150 triệu đồng/m2, tăng khoảng 56% so với 5 năm gần đây.
Qua tìm hiểu thực tế, khu vực này đang được nhiều nhà đầu tư địa ốc "ưu ái" để chuẩn bị cung ứng cho thị trường một lượng căn hộ khá lớn trong những tháng cuối năm 2019. Chẳng hạn, mới đây, UBND TP.HCM vừa chấp thuận cho Công ty TNHH Thương mại – Xây dựng Sài Gòn Viễn Đông làm chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở tại lô số 6 – khu 6B, khu chức năng số 6 – Đô thị mới Nam Thành phố.
Theo đó, dự án tại lô số 6 – khu 6B hiện có tên thương mại là Khu dân cư The Star Residences (tên trước đây là Khu dân cư Sài Gòn Viễn Đông). Dự án có tổng diện tích đất 7,8 ha, gồm 318 nền đất nằm ngay mặt tiền đường Phạm Hùng. Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, thị trường khu Nam Sài Gòn vừa ghi nhận sự xuất hiện dự án Eco Green Saigon có quy mô 14,36 ha, sở hữu vị trí đắc địa mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh (phường Tân Thuận, quận 7). Đây được xem là khu đô thị xanh hiếm hoi với quỹ đất rộng lớn, mật độ phủ xanh đến 70% với công viên nội khu Eco Green Central Park rộng hơn 3,5 ha...
Song song đó, nằm về hướng đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7, một doanh nghiệp địa ốc khác cho biết cũng đang lên chương trình giới thiệu 1.100 căn hộ mới từ một dự án hợp tác với các đối tác Nhật Bản. Hưng Thịnh Corp. cũng đang chào bán các giai đoạn tiếp theo của một dự án hơn 4.000 căn nằm gần cầu Phú Mỹ; Dọc trục đường Nguyễn Hữu Thọ (Nhà Bè) có 3 dự án với hơn 1.000 căn sẽ được tung ra vào cuối năm nay...
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định, hầu hết các dự án nhà ở tại khu Nam được quy hoạch đồng bộ, hiện đại nên cùng với các dự án hạ tầng giao thông, đã góp phần thay đổi diện mạo vùng đất này rất lớn trong thời gian qua. Hiện bên cạnh những dự án đã được triển khai, có rất nhiều nhà đầu tư cũng xin chủ trương đầu tư vào khu vực này với kỳ vọng đón đầu những bức phá từ hạ tầng giao thông, cũng như định hướng phát triển ở khu vực này trong thời gian sắp tới.
(Nhịp sống kinh tế)