Nghề môi giới bất động sản ra đời lâu nhưng thiếu hành lang pháp lý nên nảy sinh nhiều bất cập. Cơ quan quản lý thì lúng túng vì chế tài xử phạt nhẹ, không đủ sức răn đe với hành vi môi giới lệch chuẩn tạo cơn sốt ảo gây hoang mang thị trường.
Chứng chỉ môi giới có như không
Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, không thể phủ nhận những đóng góp to lớn mà các tổ chức, cá nhân môi giới bất động sản mang lại cho xã hội. Tuy nhiên, thực tế hoạt động nghề này vẫn còn những tồn tại, bất cập.
Cụ thể, hiện nay, pháp luật về môi giới bất động sản quy định cá nhân không bắt buộc phải có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học thì mới được dự thi lấy chứng chỉ môi giới bất động sản. Điều này đã tạo ra xu hướng các cá nhân không thực sự học tập, tìm hiểu, nghiên cứu về môi giới bất động sản mà chỉ tham gia một số khóa học ngắn hạn do các trung tâm không uy tín đào tạo để học lướt qua các kiến thức nhằm đối phó với kỳ thi sát hạch.
“Thậm chí, có hiện tượng còn bỏ tiền “mua” chứng chỉ, không có hiểu biết về nghề môi giới”, ông Hưng nói.
Theo ông Hưng, phần đông các nhà môi giới bất động sản không coi trọng việc tham gia các khóa đào tạo về môi giới bất động sản. Kết quả khảo sát tại “Cuộc điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng hoạt động của các cơ sở đào tạo về bất động sản mới đây cho thấy, có 86% nhân viên môi giới trả lời không tham gia hoặc chỉ tham gia một khóa đào tạo cho nhân viên.
“Theo kết quả của cuộc điều tra, khảo sát trên, tại Hà Nội, có đến 48% số lượng người môi giới bất động sản được điều tra không có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản. Trong số những người có chứng chỉ hành nghề, chỉ khoảng 1/3 số người có chứng chỉ hành nghề ngay khi vào nghề, số còn lại sau khi đi làm vài năm mới thi lấy chứng chỉ”, ông Hưng cho hay.
“Việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản vẫn chưa thực sự chặt chẽ, dẫn đến chất lượng và trình độ của các nhà môi giới bất động sản còn hạn chế và không đồng đều. Thực trạng trên không những không giúp thị trường bất động sản Việt Nam ổn định, phát triển chuyên nghiệp, tích cực mà còn có nguy cơ tạo ra những hệ lụy, nguy cơ đe dọa thị trường”, ông Hưng nói.
Xử phạt có như không
Từ đầu năm 2019, tại Hà Nội, sau thông tin huyện lên thành quận, giá đất tại các huyện vùng ven như Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức được các môi giới hô tăng chóng mặt. Mức tăng giá trung bình ghi nhận dao động 30 - 60%, thậm chí có những khu đất ở vị trí đẹp, giá tăng gấp đôi chỉ sau chưa đầy 3 tháng. Chiêu thức được các môi giới, (cò đất) thường hay sử dụng là mua gom đất tại khu vực chưa ai để ý với giá rẻ, sau đó nhóm này tìm cách mua tiếp các lô đất gần đó hoặc sang tay cho người trong nhóm một vài ô đất đã mua trước đó với giá cao hơn rất nhiều để tạo mặt bằng giá mới. Đồng thời, môi giới tung thông tin thị trường khu vực đã bắt đầu sốt để lôi kéo các nhà đầu tư thứ cấp.
Để lôi kéo được các nhà đầu tư khác, nhóm này có thể giao dịch qua lại với nhau để tạo sự sôi động ảo, với tâm lý đầu tư theo đám đông và mong muốn mình sẽ là người thoát sớm để có lời, nên nhiều nhà đầu tư khác sẽ kéo đến với tâm lý mình không phải là người mua cuối cùng. Khi đó, nhóm đầu tư ban đầu sẽ thoát hàng còn người mua sau ngậm trái đắng. Cơn sốt này không chỉ xảy ra ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TPHCM, nó còn lan ra các tỉnh như: Quảng Ninh), Đà Nẵng; Phú Quốc…
Ông Trần Minh Hoàng, Phó Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) cho rằng, giá trị một thương vụ môi giới bất động sản tầm 5 - 10 tỷ đồng nếu so với chế tài xử phạt được quy định tại Nghị định 139 là 10 - 50 triệu đồng là chưa đảm bảo tính răn đe.
Về đạo đức, ứng xử nghề nghiệp, theo ông Hoàng, nhân viên môi giới thường thiếu coi trọng nghề nghiệp, dễ làm, khó bỏ, coi lợi ích cá nhân trên hết. Mặt khác, các nhân viên này không thực sự coi thị trường và khách hàng làm trọng, chạy theo lợi nhuận bằng mọi cách.
“Họ dễ dàng thỏa hiệp và tiếp tay cho các chủ đầu tư, nhà đầu tư không tuân thủ quy định pháp luật vì mục đích lợi ích, làm ảnh hưởng tính bền vững của thị trường và quyền lợi người tiêu dùng. Chính điều này đã khiến thị trường thiếu lành mạnh, minh bạch, bền vững, thiếu niềm tin từ khách hàng. Thị trường bất động sản rất dễ bị khủng hoảng, đổ vỡ”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, vấn đề nóng cần xử lý hiện nay là đạo đức của người làm môi giới bất động sản. Môi giới bất động sản lệch chuẩn đạo đức là nguyên nhân chính tạo nên các cơn sốt đất, giá ảo và bong bóng bất động sản. Lực lượng này cũng sẽ khiến thị trường không minh bạch, mang đến nhiều rủi ro cho khách hàng.
Theo thống kê của Hội Môi giới Việt Nam, lực lượng tham gia hành nghề môi giới bất động sản của Việt Nam đang đạt khoảng 300.000 người, trong đó chỉ 27.000 người có chứng chỉ hành nghề theo luật cũ; 8.000 người đã có chứng chỉ hành nghề theo luật mới. Số còn lại khoảng 265.000 chưa có chứng chỉ hành nghề.
(Tiền phong)