Phát triển 5 huyện vùng ven thành đô thị vệ tinh của TPHCM.
Trong Quyết định phê duyệt Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành, TPHCM tiếp tục là đô thị đặc biệt, bao gồm 1 khu vực đô thị trung tâm và 6 đô thị trực thuộc.
Cụ thể, TP Thủ Đức là đô thị loại 1 và 5 đô thị vệ tinh cơ bản đạt tiêu chuẩn để nâng cấp lên thành phố (gồm huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ).
Sau năm 2030, TPHCM bắt đầu xây dựng các đô thị theo mô hình thành phố đa trung tâm gồm đô thị trung tâm và các đô thị Thủ Đức, Củ Chi - Hóc Môn, Bình Chánh, Quận 7 - Nhà Bè và đô thị sinh thái biển Cần Giờ. Ranh giới chính thức của các đô thị được xác định theo quyết định thành lập đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đến năm 2050, hoàn thành việc xây dựng TPHCM theo mô hình thành phố đa trung tâm.
TPHCM sẽ phát triển theo mô hình thành phố đa trung tâm. (Ảnh minh họa).
Cũng theo quy hoạch, huyện Bình Chánh là vùng công nghiệp tập trung, phát triển các ngành công nghiệp chủ lực. Trong khi đó, huyện Củ Chi và Hóc Môn là vùng công nghiệp hỗ trợ gắn với liên kết vùng. Còn huyện Nhà Bè và Cần Giờ là vùng công nghiệp sạch gắn với kinh tế biển, bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên.
Về nông nghiệp, các huyện Củ Chi, Hóc Môn phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng cây ăn trái kết hợp với du lịch khu ven sông Sài Gòn, xây dựng chợ đầu mối thứ 4 tại huyện Hóc Môn.
Huyện Bình Chánh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch; phát triển trung tâm logistics nông nghiệp tại chợ đầu mối Bình Điền (mở rộng về phía Nam và phát triển khu thương mại Bình Điền giai đoạn 2).
Còn 2 huyện Nhà Bè, Cần Giờ phát triển nuôi trồng thủy sản mặn, lợ nội địa, trên biển và sản xuất muối ứng dụng công nghệ cao, phát triển các làng nghề gắn với các sản phẩm OCOP.
Theo quy hoạch, TPHCM phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 8,5% - 9%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 385 - 405 triệu đồng (tương đương 14.800 - 15.400 USD).
Hiện tại, GRDP bình quân đầu người tại TPHCM ở mức khoảng 200 triệu đồng/năm.
Về giáo dục, mục tiêu đảm bảo cơ sở vật chất, trường lớp đạt chuẩn quốc gia: mầm non đạt 60%; tiểu học đạt 80%; trung học cơ sở đạt 70%; trung học phổ thông đạt trên 50%; đạt 600 sinh viên đại học trên 10.000 dân.
Về y tế, TPHCM đề ra mục tiêu đạt tỷ lệ 42 giường bệnh/10.000 dân; 23 bác sĩ/10.000 dân, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên 95%.
Về giao thông, đến năm 2030 hình thành các trục cơ bản của đường sắt đô thị, tầm nhìn đến năm 2050 hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị của TPHCM.
Về du lịch, TPHCM mục tiêu năm 2030 sẽ đón 13 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 50 triệu lượt khách du lịch nội địa. Hiện tại, trong năm 2024 này, TPHCM đã đón 6 triệu lượt khách quốc tế và 38 triệu lượt khách nội địa.
Về nhà ở, quy hoạch đề ra mục tiêu diện tích sàn nhà ở bình quân sẽ đạt 30 - 32 mét vuông/người, hiện tại đang ở mức hơn 22 mét vuông/người.
Nguồn giaoducthoidai.vn
Link bài gốchttps://giaoducthoidai.vn/phat-trien-5-huyen-vung-ven-thanh-do-thi-ve-tinh-cua-tphcm-post714599.html