Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường BĐS Việt Nam năm 2019 không có dấu hiệu đi xuống nhưng cũng không "bùng nổ" như kỳ vọng, bởi, các nhà đầu tư vẫn còn vướng phải những khó khăn nhất định.
Khó khăn về vốn
Ông Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứ quản lý Trung ương (CIEM) cho biết, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam hiện đang chịu sự ảnh hưởng nhất định từ những tranh chấp thương mại xảy ra giữa các cường quốc. Cụ thể, đó là sự dịch chuyển dòng vốn của các nhà đầu tư từ các nước trong khu vực vào Việt Nam, tạo thêm cơ hội phát triển mới cho phân khúc BĐS công nghiệp vốn đầy tiềm năng.
"Về mặt lý thuyết, những tranh chấp thương mại đang xảy ra giữa các cường quốc sẽ mang đến những rủi ro cho thị trường BĐS. Nhưng rủi ro này mang lại lợi ích nhiều hơn là có hại", Phó Viện trưởng CIEM cho hay.
Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam có sự tăng trưởng ổn định trong những năm gần đây. Đặc biệt, trong 4 tháng đầu năm 2019, nguồn vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm vào lĩnh vực BĐS đạt mức kỷ lục so với cùng kỳ của 4 năm vừa qua, đạt 1,1 tỷ đô la Mỹ.
Song, các chuyên gia cho rằng, thị trường sẽ có sự tăng trưởng hơn nhờ dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào nhiều, nhưng cũng có không ít những rủi ro tiềm ẩn theo đó. Điều có thể nhận thấy rõ nhất là sự phát triển của thị trường sẽ không có tính bền vững khi tăng trưởng phụ thuộc vào nguồn vốn từ bên ngoài. Nguồn vốn ngoại chỉ mang lại lợi ích trong ngắn hạn, còn lợi ích trung và dài hạn phải được chính các doanh nghiệp đang hoạt động tạo ra.
Theo ông Vũ Quang Vinh - Chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam), vốn FDI là nguồn tài chính rất cần thiết cho ngành BĐS, tạo nguồn lực cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và cũng là kênh quan trọng trong việc thu hút các ngành sản xuất phụ trợ.
"Nhưng thực tế, khi một dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thì họ sẽ sử dụng nguồn vốn theo hai cách: Vốn trực tiếp của doanh nghiệp và vốn vay của ngân hàng tại chính quốc gia sở tại. Vì vậy, đây cũng là vấn đề cần phải được lưu tâm và có nguy cơ xảy ra rủi ro khi thị trường biến động", ông Vinh nói.
Khó khăn về quỹ đất
Các chính sách về tín dụng nói chung và tín dụng BĐS nói riêng ngày càng siết chặt hơn trong năm 2019. Đây cũng là năm Nghị định số 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết được đẩy mạnh. Theo Nghị định, tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của doanh nghiệp sẽ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao của doanh nghiệp.
Tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn và cho vay dài hạn được quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN trước đó cũng đã giảm từ 60% xuống 40% trong vòng 2 năm, tỷ lệ này đã giảm tới 40% kể từ tháng 1/2019. Trong khi đó, tỷ lệ an toàn trong vay bất động sản lại được tăng từ 150% lên thành 250%.
Ông Vũ Quang Vinh cũng cho biết thêm, cùng với việc siết chặt tín dụng thì sự thu hẹp của quỹ đất sạch cũng sẽ khiến thị trường BĐS gặp phải nhiều khó khăn trong thời gian tới. Đối với những dự án đã được thông qua phương án đầu tư, cũng sẽ gặp khó vì một số điều khoản của Luật đất đai sửa đổi và Luật Quy hoạch được thi hành.
Từ thực tế trên, vị chuyên gia nhận định: "Dự án thì vẫn còn, nhưng thực tế sản phẩm được đưa ra thị trường sẽ bị hạn chế hơn, dẫn đến việc khan hiếm sản phẩm, dự báo các sản phẩm BĐS có thể sẽ bị chủ đầu tư tiếp tục nâng giá trong thời gian tới".
(kinhtedothi)