Theo ước tính, Hà Nội có thêm hơn 6.300 doanh nghiệp đăng ký mới trong 4 tháng đầu năm 2019, tăng 16,2% so với cùng kỳ. Thực tế này đã đẩy nhu cầu thuê văn phòng lên cao, tạo sự sôi động cho thị trường văn phòng cho thuê Thủ đô sau thời gian “đìu hiu”.
Các quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Ba Đình được cho là khu vực khó thuê mặt bằng văn phòng nhất ở thời điểm hiện tại. Dù giá thuê cao gấp 1,5 lần so với giá bình quân trên thị trường nhưng rất khó có thể thuê được mặt bằng văn phòng tại các quận này. Nguyên nhân là do mặt bằng trống tại đây còn rất ít.
“Tôi đã đi tìm địa điểm thuê văn phòng từ đầu năm đến nay nhưng vẫn chưa thuê được. Để tiện cho việc tìm kiếm, tôi đã thuê một vài đơn vị môi giới nhưng thời điểm hiện tại không có dự án mới đi vào hoạt động ở khu vực này nên việc thuê rất khó khăn”, chị Lâm Thu Hằng, một người đã tìm thuê văn phòng để làm địa điểm mở công ty suốt nhiều ngày nay cho hay.
Theo thông tin từ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhu cầu thuê văn phòng tại Hà Nội thời gian gần đây đang vượt so với nguồn cung. Các chuyên gia BĐS cho rằng, quỹ đất vốn eo hẹp ở khu vực trung tâm đã được lấp đầy, không còn diện tích để triển khai các dự án mới, khiến nguồn cung văn phòng mới bị thiếu hụt, nhất là sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp.
Kết quả khảo sát của Savills Việt Nam cũng cho thấy, giá thuê văn phòng tại Hà Nội đang tăng lên do sự khan hiếm nguồn cung. Theo đó, giá thuê trung bình đạt mức 20 USD/m2/tháng, tăng 2% so với quý trước và tăng 5% theo năm. Giá thuê tại khu vực trung tâm hiện đang dao động trong khoảng 30-35 USD/m2/tháng, cá biệt, một số vị trí còn đạt mốc trên 50 USD/m2/tháng, song, vẫn không còn mặt bằng trống để thuê, đơn cử như: tòa Corner Stone, Thaiholdings Tower, Gelex Tower...
Tổng nguồn cung văn phòng cho thuê trên địa bàn Hà Nội tính đến thời điểm hiện tại là khoảng 1,8 triệu m2, tỷ lệ lấp đầy đạt 94% và không còn diện tích trống tại khu vực trung tâm.
Trong khi đó, giai đoạn từ 2015-2017, thị trường văn phòng Hà Nội không ghi nhận thêm bất kỳ sản phẩm mới nào. Còn từ năm 2018 đến nay, có thêm 6 dự án mới được đưa vào hoạt động, trong đó, có 5 dự án thuộc hạng B. Nhu cầu thuê lớn (gồm thuê mới và mở rộng diện tích văn phòng), trong khi nguồn cung hạn chế đã dẫn đến cả hiệu suất lẫn giá thuê đều tăng.
Cùng với đó, nhu cầu thuê văn phòng hạng B, văn phòng thiết kế diện tích nhỏ và loại hình văn phòng được tích hợp từ những công nghệ thông minh 4.0 ngày càng trở nên phổ biến. Theo dự báo của các chuyên gia, nguồn cung văn phòng cho thuê tại Hà Nội sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, do đó, nếu không có sự thay đổi về mô hình thiết kế cũng như địa điểm và phong cách, tiện ích, giá thuê, rất có thể thị trường này sẽ phải chứng kiến một cuộc thoái trào.
Tính đến hết năm 2018, Hà Nội đang dẫn đầu thế giới về tỷ suất lợi nhuận cho thuê văn phòng, thứ hai là Manila (Philippines), tiếp đến là Adelaide (Australia), TP.HCM đứng ở vị trí thứ 4 và thứ 5 là Perth (Australia). Phân khúc văn phòng cho thuê tại Hà Nội được đánh giá là đang có nhiều tiềm năng phát triển nhưng vẫn còn không ít thách thức ở thời điểm hiện tại, và sự thiếu hụt về nguồn cung là một trong những thách thức đầu tiên.
(Báo Xây dựng Online)