Dòng sản phẩm shopvilla (biệt thự thương mại) vốn quen thuộc tại Hà Nội và các thị trường nghỉ dưỡng lớn nhưng lại kém phát triển tại TP.HCM. Vì sao?
Shophouse là nhà phố thương mại có diện tích nhỏ, chủ yếu phát triển về chiều cao và phục vụ nhu cầu kinh doanh dịch vụ nhỏ như cafe, tạp hóa, shop quần áo... Trong khi đó shopvilla được hiểu là các căn biệt thự thương mại xây dựng theo hình thức song lập, diện tích lớn gấp đôi các căn shophouse và phù hợp để ở, kinh doanh các dịch vụ cao cấp như spa, thời trang, mỹ nghệ, bar café, pub, phòng trà…
Mặc dù có nhiều tính năng giống shophouse, nhưng shopvilla được cho là có tiềm năng hơn hẳn vì hướng kinh doanh đa dạng hơn. Thực tế các shopvilla triển khai tại các dự án như FLC Galaxy Park Sầm Sơn, The Arena Cam Ranh, Imperia Garden Hà Nội, Palm Garden Phú Quốc… tuy giá cao hơn nhưng lại có lượng tiêu thụ nhanh hơn loại shophouse thông thường. Thậm chí tại dự án duy nhất ở TP.HCM chào bán sản phẩm này là KĐT Vạn Phúc cũng ghi nhận tình trạng “cháy hàng”, mức giao dịch hơn cả mong đợi trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, hiện tại ngoài KĐT Vạn Phúc, TP.HCM vẫn chưa có một dự án thứ hai có loại hình BĐS này.
Theo tìm hiểu của Batdongsan.com.vn, dù nhiều doanh nghiệp cho biết rất quan tâm đến sản phẩm shopvilla nhưng lại rất ít dự án triển khai thực tế ra thị trường. Tập đoàn Đại Phúc là doanh nghiệp đầu tiên triển khai phát triển dòng sản phẩm shophouse hạng sang này thông qua việc mở bán 30 căn shopvilla tại KĐT Vạn Phúc vào đầu tháng 4, mở màn cho việc đưa dòng sản phẩm này đến với thị trường BĐS sôi động nhất cả nước.
Giải thích lý do thị trường TP.HCM ít phát triển loại hình shopvilla, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, P.TGĐ Đại Phúc Land cho rằng, chủ yếu là do các yêu cầu để phát triển dòng sản phẩm này tương đối cao và chi phí phát triển cũng tốn kém. Nếu shophouse chỉ đánh mạnh vào yếu tố vị trí, cơ cấu dân cư để phục vụ kinh doanh thì shopvilla cần có sự kết hợp giữa yếu tố sinh thái nghỉ dưỡng, thương mại và giải trí.
Để phát triển thành công shopvilla, dự án phải có quỹ đất lớn và phải hội tụ các yếu tố về sinh thái đặc thù. Với thực tế quỹ đất hạn chế và đắt đỏ của TP.HCM, nếu triển khai không đúng cách, sản phẩm này sẽ tiêu tốn chi phí và rất khó tiêu thụ.
“Giá trị thương mại cao, chi phí phát triển cũng cao nên shopvilla là sản phẩm rất kén người mua, chủ yếu là người có tài chính khá giả mới nhắm đến sản phẩm này. Chính vì vậy, chất lượng và tiềm năng của shopvilla trong một dự án chắc chắn phải vượt qua được shophouse mới thu hút được khách hàng”, bà Hương cho biết thêm.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Chí Công, so sánh tiềm năng của shophouse và shopvilla cũng giống như so tiềm năng sản phẩm nhà phố và biệt thự trong cùng một dự án, đối tượng mua khác nhau, giá trị khác nhau, khả năng tăng giá cũng khác nhau. Hiện nay sản phẩm shopvilla khan hiếm hơn shophouse, ngay cả ở các thị trường nghỉ dưỡng lớn như Khánh Hòa, Phú Quốc, Đà Nẵng, Phan Thiết và Hà Nội, số lượng shopvilla trong một dự án chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khách hàng mua shopvilla đều là những nhà đầu tư sành sỏi đến từ tầng lớp thành đạt về tài chính. Họ đầu tư vừa để tận hưởng những giá trị lợi nhuận lẫn niềm vui sống.
Nhìn vào biên độ tăng giá của nhà phố thương mại tại TP.HCM hiện nay, có thể thấy biệt thự thương mại sẽ mang lại lợi nhuận tốt không kém cạnh nhà phố thương mại. Chính điều này sẽ khiến phân khúc biệt thự thương mại có thể nở rộ trong thời gian tới đây, không chỉ TP.HCM mà ở cả các thị trường lân cận. Hiện tại, bên cạnh sản phẩm shophouse truyền thống, nhiều doanh nghiệp BĐS tại TP.HCM đang chuyển hướng sang phát triển dòng shopvilla phục vụ nhu cầu săn “hàng hiệu” của giới đầu tư tài chính rủng rỉnh. Ngoài Đại Phúc Land, hiện có thêm 1 doanh nghiệp BĐS đang triển khai dự án KĐT tại quận 2 và một CĐT lớn sở hữu quỹ đất ở khu vực quận 9 có kế hoạch xem xét triển khai dòng sản phẩm này.
Theo các chuyên gia, dòng sản phẩm shopvilla sẽ trở thành kênh đầu tư hấp dẫn, nhờ tích hợp vừa ở vừa kinh doanh, thanh khoản tốt, tỷ lệ tăng giá cao. Phân khúc này không chỉ thu hút khách mua là nhà đầu tư cá nhân mà rất phù hợp với nhà đầu tư tổ chức (các doanh nghiệp).
Số liệu báo cáo CBRE cho thấy, dù biệt thự thương mại xây sẵn trong dự án thấp tầng chỉ chiếm 2-3% tại các khu đô thị lớn nhưng có mức giá tăng đến 2,2 lần so với năm trước, mức tăng của nhà phố thương mại là 65%. Đối với các nhà đầu tư, phân khúc biệt thự thương mại đòi hỏi nguồn vốn lớn hơn nhưng lợi nhuận mang lại cũng hấp dẫn hơn so với căn hộ hay các sản phẩm khác.
(Enternews.vn)