Mới đây UBND TP Cần Thơ đề ra lộ trình cụ thể đến năm 2030 sẽ tiến hành dẹp bỏ hoàn toàn nhà sàn ven sông lấn chiếm sông, kênh, rạch để phòng sạt lở.
Trước mắt thì UBND TP. Cần Thơ làm việc với Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cùng các sở ngành, quận huyện trên địa bàn thành phố bàn về phương án ứng phó với tình hình sạt lở bờ sông.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt , hiện quận đang thi công bờ kè tuyến kênh Bò Ót, nơi tiếp giáp với sông Hậu với kinh phí trên 28 tỷ đồng. Dự án kè sẽ đảm bảo đời sống của người dân, còn các điểm sạt lở khác, chính quyền địa phương đang vận động các hộ sinh sống di dời lên bờ, tiến hành gia cố tạm và khi có vốn sẽ thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Bên cạnh đó, địa phương cương quyết không cho phát sinh nhà ven sông và thời gian tới sẽ tiến hành xóa hết nhà trên các tuyến sông, rạch để đảm bảo tính mạng người dân và hạn chế sạt lở.
Lộ trình cụ thể quận này đưa ra là 10 – 15 năm nữa sẽ không còn hộ dân sống lấn chiếm kênh rạch.
Được biết, thời gian qua do tập tục vùng miền, người dân thường tập trung sinh sống ở vùng sông nước, trong khi nhà ở của người dân cặp ven sông, rạch đa phần là nhà tiền chế kết cấu không ổn định, trong khi lại thường xuyên cơi nới. Qua nhiều năm biến động của dòng sông, kênh, rạch sức chịu tải của nhà cũng kém dần, đây là một trong những yếu tố xảy ra sạt lở và mang tính chất đặc biệt nguy hiểm.
Trước đó UBND Tp.Cần Thơ đã đưa ra lộ trình giai đoạn 2018 - 2020, trong đó triển khai xây dựng 9 tuyến kè bảo vệ bờ sông tại các quận, huyện Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Điền với chiều dài 21.940 m, tổng mức đầu tư 2.441 tỷ đồng và tiến hành di dời hơn 1.000 hộ dân sống ven sông vào nơi an toàn tránh xa sạt lở. UBND Cần Thơ tiếp tục đề nghị Bộ NNPTNT xem xét, đề xuất Chính phủ bổ sung kinh phí từ nguồn dự phòng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cho TP Cần Thơ thực hiện 2 dự án kè chống sạt lở sông Ô Môn (Q.Ô Môn) với tổng số tiền 421 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay Tp.Cần Thơ đã ghi nhận 7 điểm sạt lở, làm 4 căn nhà trôi sông và 18 căn nhà phải di dời khẩn cấp, thiệt hại trên 1,1 tỷ đồng, tần suất tăng gần gấp đôi so với 5 năm về trước. Trong đó, huyện Vĩnh Thạnh được xem là địa phương xảy ra nhiều vụ sạt lở bậc nhất của thành phố, ảnh hưởng tới các công trình giao thông nông thôn. Ngoài Vĩnh Thạnh, quận Thốt Nốt nằm cạnh sông Hậu cũng là địa bàn xảy ra nhiều vụ sạt lở. Tính từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng quận này đã ghi nhận 33 điểm sạt lở lớn nhỏ.
(Trí thức trẻ)