Trong vài năm gần đây, tới mùa nắng, hạn gay gắt là hiện tượng cua chết, đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu nhập của hàng trăm hộ dân ở Cà Mau.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau, cua nuôi bị chết tập trung nhiều nhất ở huyện Đầm Dơi với diện tích hơn 1.200ha và hơn 600ha cua nuôi bị chết ở huyện Năm Căn. Đa phần cua bị chết đều bị đen mang, màu nhợt, bọng thịt, cơ thịt nhão có màu hồng, có nhiều giáp xác trong thân cua...
Ông Lê Hữu Nghĩa (Ngụ ở huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) cho biết: “Trong vài năm gần đây, mùa nắng, hạn gay gắt là hiện tượng cua chết diễn ra. Tuy nhiên, một số con cua bỏ ăn, ít vận động, khi bắt được đem lên khô khoảng vài giờ là bắt đầu chết; một số con cua chết nổi trên mặt nước và số cua khác thì bò lên bờ nằm chết, qua đó tỷ lệ thiệt hại từ 30% đến 70%”.
Sau khi tiếp nhận thông tin cua chết, ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã nhanh chóng lấy mẫu cua nuôi bị chết gửi đi phân tích. Theo kết quả phân tích mẫu từ Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam sông Hậu, cua chết có ký sinh Zothamium spp, giáp xác chân đều, ký sinh trùng… Trước khi chết vài ngày cua nuôi có biểu hiện yếu, ít bắt mồi và mất thịt dần.
“Người nuôi cua phải thu hoạch ngay số cua còn lại trong ao vuông có cua bị nhiễm bệnh để hạn chế thiệt hại. Không nên thả thêm con giống vào thời điểm này. Đồng thời, phải thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường để kịp thời cấp thêm nước vào ao vuông nuôi cua nhằm hạn chế nhiệt độ và độ mặn tăng cao.
Đối với các con cua bị chết, hộ nuôi cua phải thu gom lại rồi đem chôn, xử lý bằng vôi nóng để hạn chế mầm bệnh lây lan... Tuyệt đối không được vứt cua chết ra sông rạch dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh”, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau khuyến cáo.
Nguồn Báo Pháp Luật
Link bài gốchttps://baophapluat.vn/ca-mau-hon-1900ha-cua-nuoi-bi-chet-post507458.html