Tính tới cuối quý 1/2019, 20 doanh nghiệp địa ốc có tồn kho lớn nhất đang có 174.711 tỷ đồng tổng giá trị hàng tồn kho (tương ứng 7,4 tỷ USD)...
Tính tới cuối quý 1/2019, 20 doanh nghiệp bất động sản có giá trị hàng tồn kho lớn nhất đang có 174.711 tỷ đồng tổng giá trị hàng tồn kho (tương ứng 7,4 tỷ USD), tăng 10% so với hồi đầu năm.
Tồn kho bất động sản tiếp tục gia tăng
Thống kê tới thời điểm cuối quý 1/2019, trên thị trường chứng khoán hiện nay có gần 100 doanh nghiệp sản xuất đang có hàng tồn kho trên 1.000 tỷ đồng.
Giá trị hàng tồn kho lớn thường xuất hiện ở các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng do đặc thù riêng về ngành nghề. Trong số 40 doanh nghiệp đang có tồn kho lớn nhất thị trường, có tới 20 doanh nghiệp bất động sản, xây dựng. Hàng tồn kho của mỗi doanh nghiệp này đều trên 2.000 tỷ đồng.
Xét về mức độ tăng giảm, trong kỳ có 13/20 doanh nghiệp trong nhóm này có giá trị hàng tồn kho tiếp tục tăng trong quý đầu năm. Trong đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (mã chứng khoán HPX) mặc dù là đơn vị có giá trị hàng tồn kho gần thấp nhất trong nhóm tuy nhiên lại có mức tăng hàng tồn kho lớn nhất (150%).
Đến cuối quý 1, hàng tồn kho của HPX chiếm 2.897 tỷ đồng, tăng thêm 1.736 tỷ đồng chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm. Trong kỳ, HPX phải ghi nhận thêm chi phí sản xuất kinh doanh dở dang từ Dự án Phú Lãm và dự án HP Plaza. Tính đến nay, dự án HP Plaza đang có mức tồn kho lớn nhất với 1.390 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang từ dự án Phú Hài cũng tăng mạnh từ 51,1 tỷ đầu năm lên 213 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (NLG) có mức tăng hàng tồn kho lớn thứ hai trong bảng với 50%. Giá trị hàng tồn kho của doanh nghiệp này cũng tăng thêm 1.632 tỷ đồng trong quý đầu năm, lên 4.893 tỷ đồng, nguyên nhân là do trong quý NLG ghi nhận thêm 1.610 tỷ đồng giá trị dở dang đến từ dự án Paragon Đại Phước - Đồng Nai.
Xét về giá trị tuyệt đối, Công ty Cổ phần Vinhomes (VHM), Tâp đoàn Đầu tư địa ốc Nova - Novaland (NVL) và Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - Becamex là 3 doanh nghiệp bất động sản có tồn kho lớn nhất với giá trị trên 20.000 tỷ đồng.
Tính tới cuối quý 1, tổng giá trị hàng tồn kho của 20 doanh nghiệp bất động sản này ở mức 174.711 tỷ đồng (tương ứng 7,4 tỷ USD), tăng 10% so với hồi đầu năm và chiếm 52% tổng giá trị tồn kho của 40 doanh nghiệp đầu bảng.
Gánh nặng tỷ trọng tồn kho lớn
Giá trị hàng tồn kho lớn hay nhỏ tùy thuộc vào quy mô doanh nghiệp cũng như quy mô dự án triển khai, song điều đáng ngại nhất về hàng tồn kho chính là tỷ trọng quá cao trong cơ cấu tài sản của một doanh nghiệp.
Không ít doanh nghiệp có tỷ lệ Hàng tồn kho/Tổng tài sản ở mức cao. Có 9/20 doanh nghiệp hàng tồn kho lớn có tỷ trọng hàng tồn kho/Tổng tài sản trên 50%.
Công ty Cổ phần Đầu tư - Kinh doanh nhà (Intresco - ITC) đang có hàng tồn kho chiếm gần 79% tổng tài sản với giá trị 2.907 tỷ đồng, trong đó chi phí dở dang lớn nhất đến từ dự án Lý Chính Thắng (1.853 tỷ). Dự án này đang trong quá trình hoàn thiện, dự kiến bắt đầu bàn giao vào quý 4/2019.
Ngoài ITC, một số doanh nghiệp khác cũng đang có tỷ trọng hàng tồn kho khá lớn mặc dù giá trị đã giảm nhẹ trong quý đầu năm như Quốc Cường Gia Lai (69,4%), IJC (62,5%) và KDH (58,5%)…
Novaland là doanh nghiệp vừa nằm trong nhóm có giá trị tồn kho cao vừa có tỷ trọng tồn kho/tổng tài sản trên 50%. Trong 35.706 tỷ đồng hàng tồn kho của NVL cuối quý 1, có hơn 26.200 tỷ là bất động sản dở dang, hơn 9.358 tỷ đồng là bất động sản hàng hóa, tức là dự án đã hoàn thành nhưng chưa bán hết. Tuy chỉ tăng 8,8% trong kỳ song tỷ trọng Hàng tồn kho của NVL vẫn trên 51,3%.
Ngoài hàng tồn kho cao, NVL cũng đang gánh khoản nợ vay lớn. Tổng giá trị vay ngắn hạn và dài hạn của công ty trên 26.059 tỷ đồng. Điều này khiến mỗi quý, NVL phải chịu một khoản chi phí lãi vay không nhỏ, ăn mòn vào lợi nhuận của công ty.
Mặc dù thuyết minh hàng tồn kho của các doanh nghiệp chủ yếu là bất động sản dở dang, tức là các dự án đang trong quá trình triển khai, tuy nhiên thực tế cũng cho thấy nhiều doanh nghiệp triển khai mãi một dự án không xong và dự án vẫn luôn nằm trong danh sách "dang dở".
Tiêu biểu như dự án Khu dân cư Phước Kiển của Quốc Cường Gia Lai, mặc dù ôm giá trị dở dang lớn nhất nhưng mặc dù đã được chấp thuận địa điểm đầu tư từ năm 2008, dự án này vẫn đang trong tình trạng "tiến thoái lưỡng nan" khi liên tiếp gặp vấn đề về pháp lý.
Xét về triển vọng ngành, bất động sản vẫn được giới phân tích đánh giá khá thận trọng trong giai đoạn này. Bất động sản thương mại có thể bị ảnh hưởng do các vấn đề về pháp lý và xây dựng dự án còn tắc nghẽn, lãi suất cho vay dự báo tăng và xu hướng siết chặt tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản.
Tuy nhiên điểm sáng vẫn đến từ bất động sản khu công nghiệp nhờ làn sóng FDI đổ vào Việt Nam thông qua các hiệp định thương mại tự do, đây cũng là ngành sẽ nhận được lợi ích từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang.
(Vneconomy)