Do không nhận được đồng thuận từ phía cư dân, chủ đầu tư buộc phải có văn bản đề nghị không điều chỉnh quy hoạch đối với giai đoạn 2 của dự án Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra). Điều đáng nói, từ việc này người dân "tá hỏa" phát hiện chủ đầu tư đã nhiều lần xin điều chỉnh quy hoạch và được chấp thuận.
Dân tố nhiều lần điều chỉnh quy hoạch “chui”
Liên quan đến việc hàng trăm hộ dân Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra) phản đối điều chỉnh quy hoạch kiến trúc một số lô đất thuộc khu đô thị Ciputra - giai đoạn 2, tại quận Tây Hồ và quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), thì mới đây, Cty TNHH Phát triển khu đô thị Nam Thăng Long đã có văn bản gửi Viện quy hoạch Xây dựng Hà Nội, đề nghị giữ nguyên chức năng sử dụng của ô đất TM13 là thương mại hỗn hợp theo quy hoạch đã được phê duyệt trước đó.
“Trước việc đề xuất điều chỉnh quy hoạch của chủ đầu tư đã không nhận được sự ủng hộ của cộng đồng dân cư. Do vậy, để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, chủ đầu tư đề nghị giữ nguyên chức năng sử dụng của ô đất TM13 là thương mãi hỗn hợp đã được phê duyệt quy hoạch trước đó, không bổ sung chức năng nhà ở…”, văn bản nêu rõ.
Đây được xem là động thái tích cực từ phía chủ đầu tư và nhận được sự đồng thuận của nhiều cư dân. Tuy nhiên, cư dân tại Khu đô thị Ciputra cho rằng trong văn bản gửi Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, chủ đầu tư chỉ đề cập tới việc giữ nguyên chức năng sử dụng đất tại ô đất TM-13, còn về số lượng, tầng cao của công trình tại ô đất này và các ô đất khác chủ đầu tư hoàn toàn không đề cập đến.
Cũng theo cư dân, đây không phải lần đầu chủ đầu tư xin điều chỉnh quy hoạch khu đô thị Ciputra giai đoạn 2 mà trước chủ đầu tư đã nhiều lần xin điều chỉnh quy hoạch và được các cơ quan chức năng "hợp thức hóa".
Theo đó, tại văn bản số 428 của Sở Quy hoạch Kiến trúc gửi UBND TP Hà Nội ngày 23/1/2019 về việc Cty TNHH Phát triển khu đô thị Nam Thăng Long đề nghị điều chỉnh quy hoạch kiến trúc một số ô đất thuộc khu đô thị Ciputra giai đoạn 2 đã lộ việc nhiều lần chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch nhưng không lấy ý kiến cộng đồng cư dân.
Cụ thể, quy hoạch khu đô thị Ciputra giai đoạn 2 trước đó đã được điều chỉnh nhiều lần, gồm các lần điều chỉnh quy hoạch năm 2016 đối với ô đất I.A 20 và I.A25 (tăng cư dân 2439 người), lần điều chỉnh quy hoạch năm 2017 đối với ô đất ký hiệu I.A.23 tăng cư dân 4674 người so với quy hoạch được duyệt trước đó.
Điều đáng nói, theo người dân tại đây, những lần điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng mật độ dân số này họ hoàn toàn không được xin ý kiến mà chủ đầu tư đã tự ý làm điều chỉnh quy hoạch “chui”.
Ai đang tiếp sức, chạy theo chủ đầu tư?
Như Tiền Phong đã thông tin, thời gian qua dư luận xôn xao trước việc Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long đã xây dựng đồ án quy hoạch điều chỉnh các ô đất trong Khu đô thị Ciputra giai đoạn 2.
Theo đề nghị của chủ đầu tư, ô đất ký hiệu P-14 diện tích 13.389m2 có chức năng là bãi đỗ xe tập trung nay xin điều chỉnh, chuyển sang hạ ngầm kết hợp kinh doanh thương mại, diện tích mặt đất để trồng xây xanh kết hợp đồng bộ với ô TM-13.
Ô đất I.B.29-NO có diện tích 35.420m2, quy hoạch năm 2004 để xây dựng nhà cao tầng nay chuyển sang nhà thấp tầng (5 tầng). Mật độ xây dựng từ 25,7% tăng lên khoảng 65%.
Còn tại ô đất TM-13 diện tích 54.977m2, vốn quy hoạch làm khu thương mại hỗn hợp, sân, vườn và đường nội bộ không có cư dân nay chuyển thành đất hỗn hợp thương mại, văn phòng, khách sạn và nhà ở cao tầng với dân số gần 3.000 người để cân đối từ ô đất I.B.29-NO sang.
Đáng lưu ý là ô đất TM-13 trước quy hoạch 5 tòa (cao từ 5 đến 47 tầng) thì nay được đề xuất điều chỉnh tăng thành 8 tòa cao từ 45 đến 68 tầng.
Tuy nhiên việc xin điều chỉnh của chủ đâu tư bị cư dân Ciputra phản đối gay gắt vì cho rằng việc thay đổi quy hoạch nhằm phục vụ lợi ích nhóm của nhà đầu tư, không vì lợi ích của cư dân.
“Việc thay đổi mục đích sử dụng đất đối với ô đất I.B29 –NO từ đất xây dựng nhà cao tầng sang đất xây dựng nhà ở thấp tầng nhìn vào thì dân số điều chỉnh giảm hơn 1000 người so với quy hoạch trước đây nhưng là để tăng lợi nhuận từ việc xây dựng khu nhà ở thấp tầng, giá trị thương mại cao hơn. Cùng với đó, chủ đầu tư lại dồn khu cao tầng vào ô đất TM-13 bằng việc tăng số tòa nhà (từ 5 lên 8) và tăng số tầng (từ 47 tầng lên 68 tầng) thì rõ ràng chủ đầu tư đang muốn thu lợi một cách triệt để trên các khu đất chưa xây dựng” – bà Nguyễn Thị Xuyên, Tổ trưởng tổ dân phố Nam Thăng Long nói.
Cũng theo người tại đây, việc điều chỉnh quy hoạch còn gây áp lực lớn lên hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội và môi trường.
“Theo phương án điều chỉnh quy hoạch mới thì dân số có thể tăng gấp đôi quy hoạch cũ, trong khi hạ tầng kỹ thuật không thay đổi. Đó là điều cấm kỵ đối với việc phát triển đô thị đang quá tải hiện nay. Do đó, cư dân chúng tôi quyết liệt phản đối phương án quy hoạch theo kiểu bóc lột hạ tầng trên”, ông Đỗ Đức Du (nhà 15T6) bức xúc.
Cũng theo ông Du, với việc cộng đồng cư dân không đồng thuận và bản thân chủ đầu tư đã nhất trí không điều chỉnh quy hoạch mà giữ nguyên quy hoạch tỷ lệ 1/500 đã được duyệt trước đó, cộng đồng cư dân Tổ dân phố Nam Thăng Long đề nghị UBND TP Hà Nội sớm có thông báo bằng văn bản giải quyết kiến nghị của cư dân.
(Tiền phong)