Một quan chức thuộc lực lượng ly khai cho hay, lực lượng ly khai ở miền Nam Yemen đã chiếm được dinh tổng thống bị bỏ trống ở thành phố Aden mà không gặp phải bất kỳ sự kháng cự nào.
Ngày 10-8, sau các cuộc giao tranh ác liệt trong những ngày vừa qua, lực lượng ly khai ở Yemen, vốn được sự hậu thuẫn của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), đã giành quyền kiểm soát phần lớn thành phố cảng Aden ở miền Nam nước này, trong đó có cả dinh tổng thống, từ các lực lượng trung thành với chính phủ được quốc tế công nhận.
Theo giới chức an ninh Yemen, số người thiệt mạng trong bốn ngày giao tranh vừa qua ở thành phố Aden đã lên tới hơn 70 người, trong đó có nhiều dân thường.
Các cuộc giao tranh đã nổ ra từ hôm 7-8 khi các lực lượng trung thành với cái gọi là Hội đồng Chuyển tiếp miền Nam (STC) tìm cách đột kích vào dinh tổng thống ở thành phố Aden.
Một quan chức thuộc lực lượng ly khai cho hay, lực lượng ly khai ở miền Nam Yemen đã chiếm được dinh tổng thống bị bỏ trống ở thành phố Aden của nước này. Thành phố miền Nam này chính là nơi chính phủ Yemen được quốc tế công nhận đặt trụ sở chính ở đây.
Theo quan chức trên, lực lượng này không gặp phải bất kỳ sự kháng cự nào khi tiến vào dinh tổng thống. Trong khi đó, một nhân chứng cho biết, lực lượng ly khai miền Nam đang có mặt ở trong dinh tổng thống Yemen.
Trước đó cùng ngày, lực lượng ly khai được UAE hậu thuẫn đã giành được quyền kiểm soát hai doanh trại quân đội từ các lực lượng trung thành với chính quyền được cộng đồng quốc tế ủng hộ ở thành phố cảng Aden.
Động thái này diễn ra sau lời kêu gọi của cựu Bộ trưởng Hani Bin Braik, người đang nắm giữ chức Phó Chủ tịch STC, nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Abed Rabbo Mansour Hadi.
Ông Braik đã cáo buộc ông Hadi và các lực lượng của nhà lãnh đạo này là thành viên hoặc trung thành với chi nhánh của tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) ở Yemen. MB vốn là một phong trào chính trị bị UAE và một số quốc gia Arab khác coi là một tổ chức khủng bố.
Trong khi đó, chính phủ được quốc tế công nhận ở Yemen, vốn được Saudi Arabia ủng hộ, đã cáo buộc lãnh đạo STC kích động nổi loạn, đồng thời cho rằng, hành động này vô hình trung chỉ tiếp tay cho lực lượng phiến quân Houthi, vốn đang kiểm soát thủ đô Sanaa.
Chính phủ Yemen đã kêu gọi Saudi Arabia và UAE gây sức ép với phe ly khai ở nước này nhằm buộc lực lượng này ngừng các cuộc tấn công các lực lượng ủng hộ chính phủ.
Trước đó, giới chức chính quyền Yemen cho rằng, lực lượng ly khai miền Nam đang mưu toan lật đổ chính quyền của Tổng thống Abed Rabbo Mansour Hadi.
Cùng ngày, Ngoại trưởng UAE Abdullah bin Zayed đã lên tiếng kêu gọi chấm dứt leo thang quân sự ở Aden.
UAE là một thành viên chủ chốt của liên quân các nước Arab tham chiến ở Yemen. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa UAE và ông Hadi đã trở nên căng thẳng trong bối cảnh có nhiều thông tin cho rằng, UAE đã bảo trợ cho các chính trị gia ở miền Nam Yemen để vận động chiến dịch đòi ly khai. Động thái mà ông Hadi cho rằng UAE đã xâm phạm chủ quyền của Yemen.
Aden vốn được coi là thành trì của chính quyền Tổng thống Hadi. Ông Hadi đang sống lưu vong ở Saudi Arabia kể từ khi lực lượng phiến quân Houthi nổi dậy đánh chiếm thủ đô Sanaa hồi năm 2014.
Liên quân các nước Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã can thiệp vào Yemen từ tháng 3-2015 để hỗ trợ Tổng thống Hadi, chống lại phiến quân Houthi. Lực lượng Houthi đang chiếm giữ nhiều khu vực ở miền Bắc nước này, bao gồm cả thủ đô Sanaa.
Theo giới quan sát khu vực, tình hình tại Yemen, đặc biệt là ở Aden đang hết sức rối ren và diễn biến theo chiều hướng phức tạp, khó lường. Diễn biến vừa qua có thể đẩy quốc gia Trung Đông này vào tình thế “chia năm, xẻ bảy” với sự can dự của nhiều lực lượng cả trong và ngoài nước, trong khi chính quyền của ông Hadi không đủ khả năng để kiểm soát tình hình. Cuộc khủng hoảng ở Yemen lại đứng trước nguy cơ tiếp tục kéo dài.