Hãng thông tấn Tass đưa tin, ngày 11.8, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Bộ Y tế Nga đã chính thức cấp phép cho loại vắc xin đầu tiên trên thế giới để ngừa bệnh COVID-19 do vi rút SARS-CoV-2 gây ra. Ông Putin cũng xác nhận con gái ông đã được tiêm loại vắc xin này.
Thông cáo báo chí của Bộ Y tế Nga khẳng định, vắc xin mới được cơ quan này cấp phép có hiệu quả phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 trong hai năm. Vắc xin được Viện Nghiên cứu dịch tễ học và vi trùng học Gamaleya và Bộ Quốc phòng Nga phát triển. Các cuộc thử nghiệm lâm sàng đối với vắc xin được bắt đầu từ ngày 18.6 trên 2 nhóm tình nguyện viên.
Kết quả thử nghiệm cho thấy vắc xin phát huy hiệu quả và độ an toàn cao. Tất cả các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm đều tự phát triển được kháng thể kháng coronavirus ở mức cao, trong khi không có trường hợp nào bị biến chứng nặng do tiêm chủng.
Trên cơ sở các kết quả thử nghiệm cũng như số liệu nghiên cứu lâm sàng, các chuyên gia của Bộ Y tế Nga đã đưa ra đánh giá kết luận và thông qua quyết định cấp đăng ký nhà nước đối với vắc xin phòng ngừa COVID-19. Những người thuộc "nhóm nguy cơ" như nhân viên y tế sẽ được tiêm vắc xin trong tháng này.
Ông Kirill Dmitriev, người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) cho biết, vắc xin của Nga được đặt là "Sputnik V", tên vệ tinh đầu tiên trên thế giới "Sputnik 1" được Liên Xô phóng lên vũ trụ năm 1957.
Theo ông Dmitriev, Nga đã được đặt hàng sản xuất 1 tỉ liều vắc xin và dự kiến nó sẽ được sản xuất tại Brazil, khu vực Mỹ Latinh vào tháng 11. Các thử nghiệm lâm sàng dự kiến sớm bắt đầu tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Philippines. "Chúng tôi đã đạt các thỏa thuận quốc tế để sản xuất 500 triệu liều mỗi năm và dự định tăng thêm", ông Dmitriev nói.
Tổng thống Putin xem mục tiêu tìm ra vắc xin COVID-19 là ưu tiên hàng đầu, trong bối cảnh Nga là vùng dịch lớn thứ tư thế giới với hơn 897.000 ca nhiễm và hơn 15.000 ca tử vong. Tuy nhiên, các nhà khoa học phương Tây bày tỏ lo ngại về tốc độ phát triển vắc xin của Nga, nghi ngờ giới nghiên cứu nước này có thể đã "đốt cháy giai đoạn" dưới áp lực từ chính quyền.
Hôm 31.7, tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, nói rằng ông hy vọng Nga đã "thực sự thử nghiệm vắc xin" trước khi tiêm cho bất kỳ ai. Ông Anthony Fauci cho rằng cần phải mất từ một năm cho tới 18 tháng để có thể bào chế an toàn một vắc xin.
Theo The Wall Street Journal, toàn thế giới hiện có hơn 100 vắc xin ngừa COVID-19 tiềm năng đang được nghiên cứu, phát triển; trong đó hơn 10 loại được đưa vào thử nghiệm, một số loại đã bước vào giai đoạn thử nghiệm thứ 3.
Long Hải (tổng hợp)